'Để tránh lây lan dịch bệnh, nhịn ăn nhậu mấy ngày có được không?'
Sau bài viết của Zing.vn về việc người dân tụ tập vui chơi ở chân cầu Vĩnh Tuy, quán nhậu ở TP.HCM, nhiều người tỏ ra bức xúc vì sự thờ ơ, bàng quan trước đại dịch.
Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước nỗ lực kêu gọi, khuyến cáo và yêu cầu không tụ tập đông người, song hàng trăm người vẫn đổ ra các khu vui chơi, công viên, quán nhậu, cà phê.
Trong sáng 30/3, Zing.vn ghi nhận tại Hà Nội hình ảnh một số người cao tuổi (nhóm có nguy cơ cao nhất) lại tụ tập chơi cờ tướng, không đeo khẩu trang tại khu vực vườn hoa phố Lê Thánh Tông. Trên phố Trung Phụng, một vài quán trà đá vẫn mở cửa. Khách hàng ngồi nói chuyện thành từng nhóm trên vỉa hè và không đeo khẩu trang.
Cùng lúc đó, vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng thường xuyên có những nhóm trẻ dừng chân nói chuyện. Nhiều người cũng không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang.
Ở TP.HCM, quán nhậu ở khu Trung Sơn (quận 7) vẫn có hàng chục người dân tới ăn uống cùng lúc. Một số quán nhậu trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) cũng là nơi thu hút các dân nhậu đổ về.
Ngày 29/3, hình ảnh người dân đến cắm trại, vui chơi, ăn uống rất đông dưới chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) được chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhiều người vẫn thờ ơ trước đại dịch
Sau một loạt bài viết của Zing.vn về tình trạng trên, số đông cảm thấy bức xúc khi nhiều người Việt còn thờ ơ trước đại dịch. Không ít người nêu ra ý kiến cần phải siết chặt hơn công tác quản lý, tránh tụ tập đông người.
Độc giả Trần Minh tỏ ra khó hiểu khi nhiều người tới thời điểm này vẫn thờ ơ và chủ quan với dịch.
"Dịch bệnh thì lây lan nhanh chóng, thời gian ủ bệnh lại lâu, các bạn ở nhà vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân gia đình lại giúp ích cho xã hội. Chúng ta chỉ cần tuân thủ những yêu cầu của cơ quan chức năng thì dịch bệnh mới có thể kiểm soát và cuộc sống mới trở lại bình thường".
Đồng tình với quan điểm trên bạn đọc Tuyến Anh thấy buồn với những bạn trẻ ý thức kém, không biết suy nghĩ cho cái chung.
"Nhà nước đang gồng mình chống dịch, các y bác sĩ cũng vất vả ngày đêm, chỉ cần một trong số các bạn đang vui chơi ngoài kia bị nhiễm bệnh thì không biết bao nhiêu người nữa sẽ phải chịu khổ".
"Công sức của biết bao người ngày đêm chống dịch, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng vậy mà có nhiều người lại thờ ơ, vô cảm. Không xử lý nghiêm tôi e rằng sẽ khó khăn để kiểm soát dịch bệnh", bạn Ngoc Hoan bình luận.
Nhịn cà phê, nhịn nhậu mấy ngày có sao không?
Bên cạnh đó nhiều người tỏ ra lo ngại nếu như để tình trạng trên tiếp diễn thì mọi công sức chống dịch của cả đất nước sẽ đổ sông đổ biển.
Bạn đọc Thắng Nguyễn viết: "Đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tuyên truyền thậm chí là qua tin nhắn, email đến từng cá nhân. Song qua những hình ảnh trên tôi thấy nhiều người vẫn quá thờ ơ, coi thường sức khỏe của chính mình và gia đình các bạn. Cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa chứ không thì mọi công sức của chúng ta ngày đêm chống dịch sẽ đổ xuống sông xuống biển".
"Ở nước ta vẫn chưa có ai bị phạt từ việc làm lây lan dịch bệnh đến việc bỏ trốn khỏi nơi cách ly. Bởi vậy nhiều người còn nhởn nhơ, coi thường quy định. Nếu như không có biện pháp cứng rắn thì thì bao công sức, nỗ lực chống dịch của đất nước ta cũng đổ xuống sông xuống biển hết", bạn Viet Tu cho hay.
Trong khi đó thành viên Huy Đức cho rằng tình hình dịch bệnh ngày càng tăng và phức tạp, kinh tế là khó khăn chung của cả xã hội. Nếu như ai cũng vì lợi ích riêng của mình thì làm sao dập được dịch. Họ không thấy được rằng hiện nay chính quyền đang gồng mình chống dịch mà nhiều người lại vô tư như vậy.
"Mình thấy khó hiểu, rõ ràng thông báo không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm hoặc hoạt động sản xuất đã được phát đi nhiều ngày nay. Để tránh dịch bệnh, nhịn ăn nhậu mấy ngày không được sao?", tài khoản Viet Le cho hay.
Đưa ra quan điểm của mình, bạn Ngoc Anh cho rằng cần phải có chế tài, xử phạt mạnh tay với những người bất chấp quy định. Nếu không biết hy sinh lợi ích của bản thân thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về hàng loạt giải pháp cấp bách để chống dịch.
Trước hết, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.
Tới 6h sáng 31/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam lên 204.