Để tránh tai nạn về điện cho học sinh, trường học cần lưu ý những gì?
Sau việc một học sinh bị điện giật tử vong khi lấy nước uống tại bình nóng lạnh của trường hay vụ cháy xảy ra tại thư viện một trường học được cho là do chập điện mới đây khiến phụ huynh lo lắng. Các trường cần làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?
Yếu tố an toàn tại các trường học hiện nay chưa thật sự đảm bảo
Mới đây, một học sinh lớp 10 tại một trường THPT tư thục tại TP.HCM trong lúc chơi thể thao, chạy tới lấy nước uống tại máy lọc nước nóng - lạnh trong khu nội trú thì bị điện giật tử vong. Nguyên nhân khiến em học sinh bị điện giật có thể do điện từ máy nóng lạnh bị rò ra những chỗ có khả năng dẫn điện trên bình (như vỏ kim loại của bình).
Vào cuối giờ học sáng 9/10, tại Trường Tiểu học Đồng Mai 1, quận Hà Đông (Hà Nội) bất ngờ xảy ra đám cháy ở khu vực thư viện nhà trường. Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Thoan - Chủ tịch UBND phường Đồng Mai cho biết, đám cháy xảy ra tại phòng thư viện, tầng 3 của Trường Tiểu học Đồng Mai 1. Học sinh học ở tầng 2 được các thầy cô giáo, nhân viên trong trường hướng dẫn xuống sân trường. Bước đầu xác định, nguyên nhân đám cháy có thể do chập điện. Hiện nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy đang được lực lượng chức năng tiếp tục làm rõ.
Thiết bị điện nào cũng có thể rò rỉ, nhà trường cần lưu ý gì?
Sau những vụ việc không an toàn về điện xảy ra trong thời gian gần đây tại các trường học, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, thầy Tuấn Anh - giảng viên Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, thiết bị điện nào cũng có thể rò rỉ. Bởi, tất cả các thiết bị điện đều có khả năng xảy ra nguy cơ hư hỏng cách điện, từ đó gây ra điện giật. Nguyên nhân có thể do chất lượng của sản phẩm hay môi trường ẩm ướt dẫn đến thiết bị bị rò điện ra ngoài. Mức điện áp 220V rất nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là trẻ em.
Theo thầy Tuấn Anh, để đảm bảo an toàn 100% cho học sinh khi sử dụng thiết bị điện, các trường học cần phải làm dây bảo vệ nối đất (Dây PE) cho vỏ máy thiết bị sử dụng nguồn kết hợp với ECB. Nếu hệ thống hiện hữu không có công trình dây PE nối đất, nhà trường cần gắn thêm thiết bị CB chống giật (ECB, ELCB, RCBO, RCD) để chống giật điện cho học sinh. Các thiết bị chống giật này cần lắp ở các lớp học, khi có thiết bị rò điện thì CB sẽ tự ngắt kết nối với nguồn điện.
Những biện pháp phòng ngừa cho học sinh đối với từng cấp học
Thầy Tuấn Anh cho biết, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở, trang bị những kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, dán poster an toàn điện, tiết kiệm điện ở bảng tin và trong lớp học.
Bên cạnh đó, đan xen trong các tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm cần nhắc nhở học sinh sử dụng an toàn điện. Tất cả cũng nhằm một mục đích giáo dục các em trong quá trình sử dụng điện tại trường hoặc ở nhà đều phải có kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn.
Hàng ngày vào giờ tan lớp, tổ trưởng, giám thị và nhân viên thiết bị trường học sẽ đi từng phòng kiểm tra về các thiết bị điện.
Đối với các trường tiểu học, mầm non - nơi học sinh chưa nhận thức được đầy đủ về các thiết bị điện, Ban giám hiệu cũng như các thầy cô giáo cần nhắc nhở các em về an toàn điện cũng như tạo môi trường an toàn nhất cho các em, tránh những sự cố đáng tiếc.
"Ngoài ra, các trường cần thường xuyên kiểm tra, thay thế những thiết bị điện không đảm bảo an toàn trước khi bước vào năm học mới. Đặc biệt, chú trọng đến những nội dung như: Không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở hay không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc về điện xảy ra".
7 kỹ năng học sinh cần phải biết để tự bảo vệ mình trước các tai nạn do rò điện
- Không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt: như dùng tay ấn nồi cơm điện, bật quạt, máy lọc nước,…
- Không được chạm tay vào dây điện nứt, ổ điện hở,...
- Không sử dụng những thiết bị dễ cháy nổ, rò điện như: bếp điện, lò nướng,.. Khi sử dụng cần có người lớn giúp đỡ.
- Không đứng gần cột điện, dưới cây to hay đi chân đất dưới trời mưa.
- Khi sử dụng các thiết bị điện hoặc lấy nước, thức ăn… từ các thiết bị điện, các em học sinh phải đứng trên giày khô ráo.
- Không chạm vào kim loại, không nên dùng ly chén inox, kim loại để lấy nước từ các bình có cắm điện.
- Cha mẹ học sinh cũng cần dạy cho các em về an toàn điện để tránh những tai nạn thương tâm.