Để trẻ có một mùa hè an toàn

Do ảnh hưởng của COVID-19, kỳ nghỉ hè năm nay không chỉ bắt đầu sớm mà còn kéo dài hơn so với những năm trước. Sự xáo trộn trong sinh hoạt hằng ngày kéo theo nhiều mối đe dọa đến cuộc sống của trẻ em, trong đó có tai nạn thương tích. Đây là vấn đề quan tâm của không chỉ riêng mỗi gia đình, nhà trường, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

 Trang bị kỹ năng bơi để đề phòng đuối nước ở trẻ - Ảnh: HN

Trang bị kỹ năng bơi để đề phòng đuối nước ở trẻ - Ảnh: HN

Bắt đầu từ thời điểm nhà trường gửi thông báo cho học sinh nghỉ học từ khoảng giữa tháng 5/2021 do COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Hường (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) đã lo lắng không yên. Tuy đây không phải là lần đầu đối mặt với tình huống này, nhưng việc tìm chỗ gửi con trong thời gian không đến trường luôn khiến vợ chồng chị phải đau đầu. Công việc nhà nước không cho phép anh chị ở nhà trông con, nội ngoại và bà con thân thuộc đều ở xa nên chỉ có cách “nhốt” con trong nhà. Nhưng cách này không hẳn đã an toàn, nhất là khi các con chị đang ở độ tuổi tiểu học và mẫu giáo. Chị Hường chia sẻ: Những mùa hè trước đây, khi dịch bệnh còn chưa phức tạp, các con tôi vẫn thường sinh hoạt hoặc đi học hè đều đặn. Vấn đề quản lý con cái trong dịp hè vì thế không quá khó khăn đối với chúng tôi. Nhưng nay, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể. Suốt từ khi nghỉ hè đến giờ, tôi đành để các cháu ở nhà tự trông nhau, đi làm thì khóa cửa, cách 1 - 2 tiếng lại gọi điện về hỏi xem các con làm gì...

Trông con là nỗi lo thường trực của phụ huynh mỗi khi hè về và nỗi lo này càng tăng trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Trong khi các hoạt động văn hóa, văn nghệ; khu vui chơi giải trí; các cơ sở dạy kỹ năng sống... đều hạn chế, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh ở mỗi thời điểm nên nhiều người rơi vào thế bị động. Không chỉ gia đình chị Hường mà nhiều gia đình khác cũng phải lựa chọn giải pháp hoặc là “nhốt” con trong nhà để đi làm; hoặc vợ chồng nghỉ làm luân phiên trông con hay đưa con đến cơ quan... Chị Lê Thị Liền ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh có hai con trai, một học tiểu học, 1 học THCS. Trong khi vợ chồng chị quần quật trên trang trại thì ở nhà hai anh em tự trông nhau. Nhưng thay vì ở nhà, các cháu thường theo trẻ em trong xóm đi ra đồng tát cá, tắm sông khiến vợ chồng chị đi làm mà không yên tâm. “Thấy trên ti vi thỉnh thoảng có những vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em như đuối nước, bị sập tường đè lên người... tôi cũng thấy lo. Ở quê không có các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ, lại rất nhiều ao hồ nên thời gian các cháu đến trường là thời gian phụ huynh yên tâm nhất. Những ngày hè, tôi chỉ biết dặn đứa lớn ở nhà trông em cẩn thận...”, chị Liền cho biết.

Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 có chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Một trong những thông điệp của tháng hành động năm nay là “Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em”. Với thông điệp này, nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra nhằm hướng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, gia đình, tổ chức xã hội trên địa bàn để mang đến một mùa hè an toàn, lành mạnh cho trẻ. Theo đó, các địa phương cần triển khai việc lập danh sách bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch, tham quan di tích, thắng cảnh đảm bảo an toàn, lành mạnh cho trẻ em tùy theo diễn biến của COVID-19. Tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, môi trường mạng, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, thiên tai, dịch bệnh. Chú trọng đến các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ học các kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội và sử dụng phương tiện kỹ thuật số an toàn. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, công an, cơ sở tôn giáo tiếp nhận trẻ em vào các khóa giáo dục, rèn luyện trong kỳ nghỉ hè phải bảo đảm an toàn, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh; bổ sung, lồng ghép nội dung về kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại và tai nạn, thương tích cho trẻ em. Kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè.

Ngoài ra, nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được diễn ra trong Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 như thăm, tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức phát thanh lưu động về chủ đề của tháng hành động, các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại các xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Triển khai xây dựng công trình “Sân chơi cho trẻ em” tại địa bàn các xã: Trung Sơn (huyện Gio Linh), Hải Thượng (huyện Hải Lăng), xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) và thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh). Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế tổ chức rà soát trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để tiến hành khám sàng lọc và phẫu thuật chỉnh hình...

Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH, trong tình hình COVID-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, việc nghỉ học của học sinh có khả năng sẽ kéo dài hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc quản lý trẻ; tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em. Rà soát, sửa chữa, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em. Tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu biểu như cộng đồng, trường học và ngôi nhà an toàn nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em. Ngoài ra, việc huy động kinh phí để xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt hè an toàn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được quan tâm, nhằm đảm bảo cho trẻ một sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157981&title=de-tre-co-mot-mua-he-an-toan