Để trẻ hiểu thêm về Tết cổ truyền
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều gia đình, nhà trường đã có những cách riêng để trẻ cảm nhận và hiểu được nét văn hóa của Tết cổ truyền…
Nhiều ký ức về Tết xưa…
Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì, ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày giáp Tết, không khí thật náo nức, từ già trẻ, gái trai đều hào hứng lau dọn nhà cửa, đi chợ mua sắm Tết… Trong ký ức của nhiều người, cảm giác thích nhất là được ngồi cạnh bà vừa lau lá dong, vừa học cách gói bánh chưng và nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Bên bếp lửa hồng phảng phất mùi khói và hương vị bánh chưng, cả gia đình quây quần bên nhau chuyện trò rôm rả. Đó là Tết của những ngày xưa cũ.
Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại kéo con người vào guồng quay tất bật, vội vã, dường như những giá trị đón Tết truyền thống cũng trở nên nhạt hơn… Quê ở Nghệ An, vào TP. Nha Trang lập nghiệp hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Hoa (42 tuổi) trăn trở: Ngày trước, cứ mỗi khi Tết đến tôi mừng lắm. Ký ức Tết truyền thống mà tôi và bạn bè thế hệ tôi trải qua đó là bếp lửa hồng, bánh chưng xanh, được ngồi xem mẹ nấu kẹo đậu phộng hay làm mứt gừng, háo hức phụ bố mẹ trang hoàng nhà cửa. Giờ các con tôi chẳng mấy hào hứng với những việc đó. Làm thế nào để con cái chúng ta được trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống, phần trách nhiệm lớn nhất là của gia đình và trường học.
Anh Võ Hồng Đức (49 tuổi, huyện Diên Khánh) cho rằng, ngày xưa, cả năm chỉ mong đến Tết để được ăn no, còn trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ, ngày nào cũng ăn ngon nên nhiều người không còn thấy hào hứng, mong chờ Tết nữa. Có điều, không phải vì thế mà người lớn ăn Tết qua loa và quên đi việc giáo dục con cái về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết.
Giáo dục trẻ về ngày Tết cổ truyền
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) lại tổ chức Lễ hội mùa xuân với nhiều cảm xúc. Trong dịp đặc biệt này, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang màu sắc truyền thống được tái hiện như: Dạy gói bánh chưng, viết thư pháp, thi sắp xếp mâm ngũ quả đẹp, tổ chức trò chơi dân gian... Những hoạt động ấy lại trở nên hấp dẫn, mới lạ trong mắt con trẻ.
Với các bậc cha mẹ và cả những thầy giáo, cô giáo, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy những ánh mắt thích thú của con trẻ, được thấy con em mình trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ. Em Nguyễn Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết: “3 năm qua, cứ vào cuối năm, em đều được trải nghiệm hoạt động của nhà trường, được tự tay tập gói bánh chưng, viết câu đối Tết. Em còn được thầy cô giáo dạy về nghi lễ ngày Tết, cách ứng xử văn minh khi nhận quà. Em cảm thấy rất thú vị và từ đó hiểu thêm về Tết xưa…”.
Dù rất bận rộn mỗi dịp Tết đến nhưng gia đình anh Trần Văn Hậu (đường Núi Một, TP. Nha Trang) vẫn luôn coi trọng việc giáo dục giá trị Tết truyền thống cho 3 đứa con. Anh cho biết, với gia đình anh, Tết chính là thời gian bận rộn nhất khi các con được nghỉ học trong khi nhà lại làm nghề kinh doanh. Để các con khi lớn lên vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về Tết, vợ chồng anh cố gắng dành nhiều thời gian cho các con trải nghiệm Tết thật lý thú và ý nghĩa nhất có thể. Gia đình sẽ gửi các con ở nhà ngoại cho các con được trải nghiệm.
“Theo chúng tôi, việc trao cho các em có cơ hội được tự tay giúp bố mẹ chuẩn bị Tết là cách tốt nhất để con trẻ có thể hiểu sâu sắc những giá trị truyền thống của Tết Việt Nam. Khi ông bà, bố mẹ cùng trải nghiệm với các con, con cái sẽ hiểu thêm tấm lòng của đấng sinh thành, tình cảm gia đình vì thế mà thêm đong đầy qua năm tháng - điều mà mỗi gia đình, nhà trường đều mong muốn”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến bày tỏ.
THANH TRÚC