Để trẻ không 'đói' sân chơi trong hè
Ở vùng cao, vốn 'đói' sân chơi nên các trường luôn phải đôn đáo tìm giải pháp. Nhiều kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ đã được các trường ở Lai Châu chú trọng.
Tăng kỹ năng...
Hơn 1 tháng nay, người dân ở Lai Châu vẫn chưa quên được câu chuyện đau lòng khi 2 học sinh lớp 7 Trường THCS Đông Phong (TP Lai Châu) thiệt mạng lúc đi tắm suối. Chiều 27/4, một người dân xã Tả Lèng (Tam Đường - Lai Châu) đi nương về thì phát hiện bên bờ suối San Thàng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (TP Lai Châu) và xã Tả Lèng (Tam Đường) có 2 xe đạp điện, quần áo, dép và thi thể trẻ em dưới suối. Nạn nhân được xác định là các cháu Nguyễn Tuấn N, trú tại bản Mới, xã San Thàng và Phạm Đức A, trú tại tổ 26, phường Đông Phong.
Câu chuyện đau lòng trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước của trẻ ở mỗi dịp hè.
Huyện Nậm Nhùn có 2 con sông lớn chảy qua là sông Đà và sông Nậm Na. Ngoài ra còn có vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu 2 và hơn 10 thủy điện đang được xây dựng.
Điều đó cho thấy, nguy cơ tai nạn do đuối nước trẻ em ở đây là rất lớn. Nậm Nhùn là huyện nghèo, mới được chia tách, còn thiếu nhiều sân chơi cho trẻ. Theo thống kê, 11/11 xã, thị trấn đều chưa có sân chơi tập trung cho trẻ. Mùa hè, theo bản năng, trẻ nhỏ vẫn cứ tìm đến sông, suối để tắm. Vì lẽ đó, việc phòng chống đuối nước luôn được địa phương quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, cho biết: “Xác định địa bàn có nguy cơ cao nên chúng tôi đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý các công trình thủy điện, tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước tại các trường học. Có thể kể đến như: Cuộc thi “Tuyên truyền đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước Thủy điện Lai Châu”. Đồng thời, tuyên truyền phòng ngừa rủi ro, thiên tai liên quan đến đuối nước cho học sinh”. Hiện, 100% học sinh toàn huyện đều được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn do đuối nước.
Với những tiểu phẩm sôi động, hấp dẫn, buổi tuyên truyền về phòng chống đuối nước mới được Trường THCS thị trấn Nậm Nhùn tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Hoạt động này đã trở thành thường niên, do nhà trường phối hợp với Huyện đoàn tổ chức nhằm truyền kỹ năng bảo vệ bản thân cho học sinh.
“Việc dạy trẻ học bơi và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước là hết sức cần thiết. Từ đó, các em có thể tự bảo vệ tính mạng khi gặp những tình huống nguy hiểm”, cô Nguyễn Thị Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Nậm Nhùn chia sẻ.
Cũng theo cô Dương, nhà trường thường xuyên lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống đuối nước ở các giờ: Chào cờ, ngoại khóa, Giáo dục công dân… Nhờ đó, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản như xử lý tình huống khi gặp người bị đuối nước.
Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, cho biết: Cùng với sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể, mỗi gia đình cần quan tâm, hướng trẻ tham gia vào các hoạt động ý nghĩa, bổ ích và an toàn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, triển khai việc thực hiện xây dựng ngôi trường an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn. Tập trung vào việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để phụ huynh chủ động cho con em mình học kỹ năng an toàn trong môi trường nước”, ông Vũ Tiến Hóa cho biết thêm.
Giảm thương tích...
Cuối tháng 5, các trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đang chuẩn bị kết thúc năm học. Dù đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội đoàn cấp huyện, song các bạn trẻ ở Huyện đoàn vẫn miệt mài liên hệ với các trường chuẩn bị tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè.
“Để học sinh có sân chơi bổ ích trong dịp hè, chúng tôi đã phối hợp với Phòng GD&ĐT, các trường trên địa bàn xây dựng nhiều hoạt động thiết thực. Mỗi hoạt động sẽ được các chi đoàn tổ chức tại thôn, bản trong toàn huyện”, chị Vàng Thị Lun, Bí thư Huyện đoàn nói.
Theo chị Lun, trong các buổi sinh hoạt hè, học sinh sẽ được chơi những trò chơi lý thú. Lồng ghép vào đó là việc tuyên truyền kỹ năng sống, kiến thức về giới, Luật An toàn giao thông… Từ đó, giúp các em chủ động phòng tránh tai nạn và tệ nạn khác.
Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn) hiện có 313 học sinh. Cô Dì Thị Ca, Bí thư Chi đoàn trường, chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn tổ chức trao - nhận học sinh trở về địa phương. Huyện đoàn cũng nỗ lực để tạo cho các em có nhiều chỗ chơi lành mạnh. Các chi đoàn cũng tận dụng tối đa thời gian rảnh để dàn dựng các tiết tục văn nghệ, tổ chức biểu diễn. Từ đó thu hút đông đảo học sinh tham gia”.
“Tháng 4 vừa qua, Huyện đoàn đã cùng với nhà trường tổ chức thành công Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên đoàn” và hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Những sân chơi này cũng thu hút được rất nhiều học sinh tham gia”, cô Dì Thị Ca nói thêm.
Huyện Than Uyên hiện có trên 17.000 thiếu nhi và hội viên. Để xây dựng sân chơi bổ ích cho trẻ, Huyện đoàn đã xây dựng nhiều điểm vui chơi vừa và nhỏ. Điển hình như tại bản Nà É (xã Mường Kim, huyện Than Uyên). Tại đây, công trình “Khu vui chơi trẻ em” vừa được Huyện đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn xây dựng từ nguồn kinh phí khiêm tốn 10 triệu đồng. Song đây lại là sân chơi thiết thực, hiệu quả.
Các đồ chơi được trang bị đều hướng đến sự phát triển vận động của trẻ em như: Xích đu, thang leo, cầu bập bênh… Thay vì việc lên núi bắt ong, bắn chim, tắm suối, ngày ngày lớp lớp trẻ nhỏ ở bản nghèo này vẫn “tề tựu” về đây để nô đùa ròn rã.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện đoàn Than Uyên, chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức khác xây dựng 8 sân chơi cho trẻ. Nhìn chung, ở các điểm đều thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tập trung hướng hoạt động về thiếu niên, nhi đồng ở vùng khó. Qua đó, mục tiêu nhằm giúp đỡ, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho các em thông qua các buổi sinh hoạt hè”.
Hà Thuận
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-tre-khong-doi-san-choi-trong-he-X2sZiI9nR.html