Để trẻ vui khỏe ngày Tết, cha mẹ lưu ý 6 điều sau
Theo bác sĩ nhi khoa, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý 6 điều sau để đảm bảo hành trình đón Tết cùng con nhỏ luôn trọn vẹn.
Trẻ lăn ra ốm vì ngược xuôi đón Tết
Mỗi dịp Tết đến, chị Nguyễn Phương Lan (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) và gia đình lại bắt đầu hành trình về quê nội, quê ngoại. Nhiều năm, việc ngược xuôi đón Tết khiến cả nhà chị Lan ốm liểng xiểng.
"Quê nội, quê ngoại cách nhau đến 500km nhưng năm nào hai vợ chồng cũng muốn vẹn tròn tình cảm với hai bên nên dù vất vả cũng cố thực hiện", chị Lan chia sẻ.
Mọi năm, cứ chiều 29 Tết, vợ chồng chị Lan lại sấp ngửa đón xe khách ngược về Yên Bái để kịp sắm sanh đồ Tết với ông bà nội. Ba ngày Tết loanh quanh cơm nước, khách khứa, nhiều lúc chị Lan không có thời gian chăm sóc con gái nhỏ, nên bé tiện gì ăn đó, bỏ cả ngủ trưa. Hết ngày 3 ngày ở nhà nội, vợ chồng Lan lại cắp con về quê ngoại ở Nam Định.
"Con bé được 5 tuổi thì cũng là 5 cái Tết theo bố mẹ ngược xuôi ngày Tết. Năm nào cũng mũi dãi lòng dòng, có năm con bé đặt chân đến nhà bà ngoại thì sốt đùng đùng, ho như cuốc, còn mình thì mệt mỏi vô cùng", chị Lan kể.
Năm nay, hai vợ chồng dành dụm tiền mua ô tô nên không còn phải ngược xuôi vất vả đón xe khách nhiều chặng. Chị Lan hi vọng sức khỏe cả gia đình sẽ được đảm bảo khi việc đi lại được chủ động hơn.
Gia đình chị Trần Hương Lan (ở Ba Đình, Hà Nội) cũng vậy. Hai vợ chồng đều là con một nên Tết nào họ cũng ngược xuôi để có mặt ở nhà nội, nhà ngoại.
Vợ chồng chị Lan đều công tác ở Hà Nội, quê ngoại Bắc Ninh, quê nội ở Thái Bình. Nhà neo người nên chục năm nay, họ đều bố trí ở đủ mỗi nơi vài ngày Tết.
"Trước có một đứa con thì việc đi lại nhàn nhã hơn chút. Hai năm nay có thêm bé trai nên vất vả hơn. Hơn nữa thằng bé hay ốm vặt, nên mỗi lần di chuyển là lại dặt dẹo. Năm trước, hết Tết, mình còn phải nghỉ thêm vài ngày vì con sốt virus sau khi ở quê lên", chị Lan cho biết.
6 lưu ý để con khỏe, gia đình yên vui đón Tết
Chia sẻ cùng nỗi lo toan về sức khỏe con trẻ trong hành trình về quê ăn Tết của nhiều gia đình, BS Nguyễn Thanh Sang, BV Nhi đồng TP.HCM, khuyến cáo 6 lưu ý cha mẹ cần ghi nhớ.
Thứ nhất, hạn chế để bé quá lâu nơi đông người, đeo khẩu trang, xịt họng xịt mũi và sát khuẩn tay cho bé liên tục. Hành trình về quê không tránh khỏi những lúc đợi chờ nơi nhà xe, nhà ga, sân bay… nên bố mẹ cần lưu ý đảm bảo vệ sinh cho bé.
"Đừng rời mắt khỏi con, chỉ cần sơ sẩy 1 chút là bé sẽ chạy nhảy quậy phá khắp nơi, nhất là những bé đi chưa vững nhưng hiếu động. Bố mẹ chú ý đến con nơi đông người, chờ đợi tàu, xe", BS Sang nhắn nhủ.
Thứ hai, cha mẹ cần chuẩn bị một số thuốc cơ bản: Paracetamol, oresol, dị ứng, (D3 Kẽm Sắt) và các vi chất cho bé...
Thứ 3, là việc ăn uống của bé cần được bố mẹ chăm sóc cẩn thận. Mỗi bé một hệ vi sinh khác nhau, nên việc thay đổi chế độ dinh dưỡng sẽ khiến bé có một số triệu chứng chướng bụng, khó chịu thậm chí đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… Khi gặp những vấn đề trên, cha mẹ tìm cách xử lý chứ không vội đổ lỗi, trách móc người nhà, chê bai môi trường sống, thực phẩm địa phương. Bởi vì vấn đề nằm ở thay đổi hệ vi sinh, nghĩ tích cực hơn thì đây là cơ hội để bé thích nghi. Điều này hoàn toàn không phải lỗi do ông bà, chú, bác, cô dì, đừng vì xót con mà vô tình khiến cho không khí gia đình mất vui trong dịp Tết đến, xuân về.
Thứ tư, cha mẹ lưu tâm đến các loại bánh mứt, hạt dưa, chocolate, hạnh nhân, macca, hạt dẻ… là những món tiềm tàng nguy cơ hóc dị vật cho bé.
"Thêm một vấn đề quan trọng, dù ai nói gì hãy giữ quyền quyết định các vấn đề liên quan đến con của mình. Về quê bố mẹ sẽ phải tiếp nhận rất nhiều luồng ý kiến về chăm sóc nuôi dạy con cái tuy nhiên, cứ thả lỏng, thở sâu, tươi cười nhỏ nhẹ đáp lời các cô dì, chú bác bằng thái độ ôn hòa nhất, để Tết vui trọn vẹn", BS Sang cho hay.
Điều cuối cùng, rất có thể xảy ra một số tình huống về sức khỏe của con. Do vậy, cha mẹ cần nhớ khi bé sốt thì kẹp nách trên 38 độ là sốt, hay cho bé mặc thoáng mát 1 chút, đo lại sau 30 phút.
Đối với trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt dưới 3 tháng tuổi mà sốt thì phải nhập viện ngay, dù lễ Tết vì 80% nguyên nhân sốt là nhiễm trùng, sợ nhất là nhiễm trùng huyết, viêm màng não...
Trẻ trên 12 tháng tuổi có thể uống 1 liều hạ sốt paracetamol 15mg/kg rồi đưa bé đi khám ở cơ sở y tế gần nhất (không cần phải đi xa để tới bệnh viện).
Đối với trẻ nôn ói do ăn đồ ăn lạ thì tạm cho bé nhịn 12-24 tiếng, uống nhiều nước, đặc biệt nước điện giải oresol... Nếu nôn ói, tiêu chảy kèm sốt thì phải đi khám ngay.