Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực giữa Biển Đông bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam

Chiều 18-7, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp một số vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trao hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). Ảnh: Bộ Ngoại giao

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trao hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trả lời câu hỏi liên quan tới một số bình luận gần đây liên quan tới việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Quan điểm của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông (VNM‑C).

Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi đều diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn. Các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông phù hợp với quy định tại Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Trước đó, tối 17-7-2024 (theo giờ New York), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông.

Theo tuyên bố phát đi ngay sau đó của Bộ Ngoại giao, sau khi một số quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông đã nộp các Đệ trình riêng của mình từ năm 2019 đến nay, việc Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông là nhằm bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với Điều 76 của UNCLOS.

Trong khuôn khổ họp báo, trả lời câu hỏi liên quan tới việc Nga và Trung Quốc tập trận chung trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-tai-khu-vuc-giua-bien-dong-bao-dam-cac-quyen-hop-phap-cua-viet-nam-672433.html