Để trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả

Để mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; các mô hình và hệ thống TTHTCĐ trong tỉnh thực sự là 'bà đỡ' để giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả… tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, bất cập nhằm phát triển bền vững các TTHTCĐ trong thời gian tới.

 Trung tâm học tập cộng đồng trở thành nơi học tập các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Nhơn Bốn

Trung tâm học tập cộng đồng trở thành nơi học tập các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Nhơn Bốn

Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 141 TTHTCĐ cấp xã, phường, thị trấn; 768 TTHTCĐ thôn, bản. Trong đó, có 31 TTHTCĐ kết hợp với nhà văn hóa xã, bưu điện xã; 101 TTHTCĐ có trụ sở riêng; 112 TTHTCĐ có tủ sách riêng; ban giám đốc các TTHTCĐ được kiện toàn với việc toàn tỉnh có 423 cán bộ quản lý, 86 giáo viên biệt phái, 75 cộng tác viên. Các TTHTCĐ hiện tại đã thực sự trở thành “trường học” của người dân; là thiết chế giáo dục được đưa đến tận mỗi cá nhân, đặc biệt là người lao động không có điều kiện tới trường học chính quy và những người nghèo, yếu thế, ít có cơ hội học tập; các TTHTCĐ cắm sâu ở từng thôn, xóm, bản, làng, khu phố... nên việc thực hiện khẩu hiệu “Ai cũng được học tập”, “Học suốt đời”, “Cần gì học nấy” trở nên thuận tiện hơn, từ đó góp phần xây dựng thành công “xã hội học tập”…

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những khó khăn như công tác điều tra nhu cầu người học, xây dựng kế hoạch hoạt động ở các TTHTCĐ đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa cụ thể dẫn đến việc hoạt động ở nhiều TTHTCĐ còn mang tính thời vụ và bị động; chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các TTHTCĐ phát triển; việc thu hút các nguồn lực tài chính còn hạn chế; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và mạng lưới cộng tác viên chưa đáp ứng được yêu cầu của người học; nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế…

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trên, tỉnh Quảng Trị đã có các giải pháp trong thời gian tới như các ban, ngành liên quan sẽ tiến hành tổ chức rà soát, đánh giá mô hình hoạt động của các TTHTCĐ, nhằm chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp để các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; kiên quyết đình chỉ, giải thể đối với các TTHTCĐ hoạt động không hiệu quả; tổ chức thí điểm các mô hình TTHTCĐ phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội của các địa bàn khác nhau, để đánh giá hiệu quả và nhân rộng đối với các địa bàn tương tự (mô hình TTHTCĐ cho các xã nông thôn, miền núi; mô hình TTHTCĐ cho các phường, thị trấn khu vực thành thị…). Phòng Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu việc bố trí giáo viên biệt phái làm việc tại các TTHTCĐ theo quy tại Thông tư số 40 /2010/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ xã, phường, thị trấn; chấn chỉnh những địa phương không có nhân sự của ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tham gia vào ban giám đốc TTHTCĐ theo quy định.

Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình TTHTCĐ kết hợp với nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao xã (đối với các địa phương đang triển khai mô hình này). UBND, ngành Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Hội Khuyến học, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện điều chỉnh, hoàn thiện tiêu chí đánh giá, xếp loại TTHTCĐ cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương. Kịp thời kiện toàn bộ máy quản lý TTHTCĐ, đảm bảo tổ chức, hoạt động của các TTHTCĐ; tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mạng lưới giáo viên, báo cáo viên và có kế hoạch phân công thực hiện nhiệm vụ tại các TTHTCĐ; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên của TTHTCĐ mỗi năm ít nhất là 2 lần…; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với thực tế địa phương; hằng năm tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn; định kỳ hằng tháng, quý tổ chức các buổi giao ban với TTHTCĐ, qua đó nắm bắt kịp thời các thông tin về việc triển khai nhiệm vụ hoạt động của TTHTCĐ; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các TTHTCĐ trong và ngoài địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động các TTHTCĐ.

Đối với các TTHTCĐ, tiến hành xây dựng quy chế hoạt động của TTHTCĐ dựa trên cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành TTHTCĐ hợp lý, thống nhất; phân công nhiệm vụ rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên trong ban giám đốc TTHTCĐ; tăng cường điều tra nhu cầu học tập của người dân trong cộng đồng để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, hiệu quả; tổ chức các hình thức điều tra linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương; đa dạng hóa nội dung, hình thức học tập phù hợp với tập quán văn hóa, điều kiện sinh sống ở các cộng đồng dân cư trên địa bàn; tổ chức hình thức học tập linh hoạt và đưa lớp học về gần với người học để tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập.

Tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động các TTHTCĐ với việc huy động nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án tại địa phương, tổ chức lồng ghép vào các hoạt động của TTHTCĐ; đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác các nguồn lực trong cộng đồng và vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; tận dụng nguồn lực từ các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể để xây dựng mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên…; tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của UBND xã, các cơ sở văn hóa, giáo dục… của địa phương làm nơi học tập, tổ chức hoạt động của TTHTCĐ; UBND xã bố trí ít nhất một phòng làm việc có diện tích tối thiểu đủ để ban quản lý TTHTCĐ có thể họp, giao ban và làm phòng thường trực của TTHTCĐ; chủ động khai thác thông tin, tài liệu học tập trên internet và các loại sách báo, tài liệu từ các nguồn khác để phục vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ… và nhiều giải pháp hữu hiệu khác.

HTS

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147018