Để tuyển sinh vượt chỉ tiêu tái diễn, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Lê Như Tiến, cơ sở giáo dục đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, Bộ GD&ĐT và các Bộ chủ quản khác.
Các trường tuyển sinh cần cân nhắc cung - cầu
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học vi phạm trong công tác tuyển sinh năm 2021 như: Vượt chỉ tiêu; tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học lẫn thạc sĩ... Đáng nói, có trường đại học thậm chí đã liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong vài năm.
Trước thông tin này, các đại biểu quan tâm đến lĩnh vực giáo dục cho rằng, mức phạt hành chính cao nhất 150 triệu đồng với tổ chức và cá nhân 75 triệu đồng là quá thấp so với học phí các cơ sở giáo dục thu được từ số lượng thí sinh đã tuyển dôi dư.
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận, hiện nay vẫn còn nhiều trường đại học vi phạm quy định trong tuyển sinh, nhất là chuyện tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Trong khi điều kiện cơ sở chưa đáp ứng kịp, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực...
Từ trước đến nay, tôi thấy rằng, hình thức phạt hành chính thường chưa đủ sức răn đe trong nhiều trường hợp. Vì vậy, nên có sự thắt chặt quản lý, chú trọng hơn đến trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học, có thể chấn chỉnh một số trường làm gương trước, khi đó sẽ có tác dụng răn đe hơn”.
Ở một góc độ khác, nữ đại biểu cũng chỉ ra: “Cũng có ý kiến cho rằng, nếu muốn xử phạt hành chính tăng “sức nặng”, thì có thể thu bằng đúng số tiền học phí nhân với lượng sinh viên tuyển sinh dôi dư, như vậy sẽ khiến các trường không còn nhận được lợi nhuận lớn từ việc cố tuyển vượt chỉ tiêu nữa.
Tuy nhiên, nếu làm như vậy, biết đâu lại có những trường có cách “lách luật” khác để chấp nhận hình thức xử phạt này.
Và quan trọng hơn hết, các trường đại học khi tuyển sinh cũng phải cân nhắc đến yếu tố cung - cầu. Nếu các trường đại học cứ tuyển sinh một cách tràn lan, ồ ạt mà không tính đến cân đối với nhu cầu xã hội, thì đào tạo xong, sinh viên ra trường sẽ không có việc làm. Như vậy sẽ chỉ càng gây lãng phí cho người học và cho cả xã hội. Trong khi có những trường, những ngành vẫn thiếu nhân lực không tuyển được sinh viên, mà có những trường, những ngành lại tuyển sinh dôi, đào tạo dư rồi dẫn đến thất nghiệp. Thực sự quá lãng phí nguồn lực”.
“Chính vì vậy, chúng ta phải siết chặt trong quản lý, điều chỉnh những kẽ hở đang tồn tại nếu có, để không thể tái diễn tình trạng như thế. Các cơ sở giáo dục đại học trong các năm tới đây, cần phải tính toán rất kỹ về nhu cầu xã hội và số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo” - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng: “Trong luật đã có quy định rất rõ về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng khác tương thích với chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu các điều kiện không đủ mà lại tuyển sinh vượt chỉ tiêu đến hàng trăm sinh viên chính là đang chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng. Mà các cơ sở giáo dục chạy theo số lượng để làm gì, đó là để tận thu, để thu được nhiều học phí.
Nếu cơ sở giáo dục đó tuyển sinh vượt chỉ tiêu và thu được hàng trăm triệu đồng từ học phí của lượng sinh viên dôi dư đó, mà chỉ phạt từ vài chục triệu đến cao nhất là 150 triệu đồng, thì họ sẵn sàng vi phạm.
Trong luật và quy định pháp luật liên quan khác cũng đã có nêu, cơ sở giáo dục đào tạo nào vi phạm và cố tình tiếp tục vi phạm, có thể bị đình chỉ hoạt động, cơ sở giáo dục đại học không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo trong thời hạn 5 năm... Theo tôi, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn, thay vì chỉ xử phạm hành chính.
“Trong trường hợp chưa đến mức thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, thì ngay từ lần vi phạm đầu tiên, chúng ta cũng nên có biện pháp chấn chỉnh, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Vai trò trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo phải có trách nhiệm giải trình vấn đề này trước cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, cũng không nên chỉ trách các cơ sở giáo dục đào tạo mà phải trách cả cơ quan quản lý nhà nước nếu như để xảy ra tình trạng vi phạm quy định trong tuyển sinh tiếp tục tái diễn trong vài năm, mà không kịp thời phát hiện, xử lý triệt để và có biện pháp răn đe” - ông phân tích.
Bên cạnh đó, ông Lê Như Tiến cũng chỉ ra: “Không chỉ riêng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, có những cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc các Bộ, ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch..., hay thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... cũng như các cơ sở giáo dục chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành... Vậy thì các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng phải chịu trách nhiệm song hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu các trường mình quản lý xảy ra vi phạm.
Tôi cho rằng, cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa các Bộ, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ chủ quản”.
Như vậy, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trước hết là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo, sau đó, đến người đứng đầu các Bộ trực tiếp quản lý và Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo”.