Để ứng phó bão RAI: Cấm tàu thuyền hoạt động từ 6 giờ sáng ngày 18/12
Cuối giờ chiều nay (17/12), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã có công điện hỏa tốc số 06/CĐ-UBND đến các sở, ngành, địa phương liên quan về công tác ứng phó bão RAI (cơn bão số 9).
Để ứng phó bão RAI
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống. Đồng thời, khẩn trương triển khai nghiêm việc cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải hoạt động và đánh bắt hải sản trên biển từ 6 giờ sáng ngày 18/12. Tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các chủ phương tiện, kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm của bão. Hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các bến bãi đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp.
Tàu thuyền neo đậu tại Phan Thiết
Riêng các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng trọng điểm, vùng thường xuyên bị sạt lở khi bão đổ bộ ngay trong ngày 18/12. Triển khai ngay kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, triều cường gây nước dâng cao ở các vùng trũng, ngập lụt. Cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở, các khu vực có lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển nhất là huyện Phú Quý, Tuy Phong. Đồng thời, có biện pháp gia cố chắc chắn, giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền, phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Đặc biệt, UBND huyện Phú Quý cần chủ động trong mọi tình huống, không để bị động khi bị cô lập, nhất là tình huống khi bị chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão vào biển Đông ảnh hưởng trực tiếp. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán tập trung, khu cách ly; đảm bảo và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất lọc nước để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Vùng biển Tuy Phong
UBND huyện Tuy Phong phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức chỉ đạo, yêu cầu các Ban Quản lý dự án và nhà thầu đang làm việc tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho người, công trình, khu vực bãi xỉ, than khi có bão đổ bộ. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra các dự án khai thác khoáng sản, các moong chứa nước để khai thác, chế biến, nhất là các dự án nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc…
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có 7.684 chiếc/41.782 lao động. Tính đến 16 giờ ngày 17/12, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 1.182 chiếc/7.220 lao động. Trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ 155 chiếc/985 lao động. Khu vực hoạt động từ Côn Đảo đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tàu đánh bắt ven bờ 1.027 chiếc/6.235 lao động, khu vực hoạt động ven biển Bình Thuận. Số tàu thuyền còn lại đang neo đậu tại các bến. Ngoài ra, tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu tại các bến trong tỉnh 82 chiếc/395 lao động.
Kiều Hằng