Đề Văn của TP.HCM đổi mới, đề thi ở Hà Nội 10 năm vẫn cũ
Thầy Trịnh Đình Chung cho rằng đề thi Văn ở Hà Nội '10 năm vẫn vậy', không tạo hứng thú cho học sinh. Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nhận định đề thi ở TP.HCM có độ mở tốt.
Sáng 17/7, thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội hoàn thành môn thi Ngữ văn. Trước đó, ngày 16/7, thí sinh TP.HCM cũng kết thúc môn thi này.
Thời gian thi gần nhau, đề thi môn Văn của 2 thành phố lớn nhận được nhiều ý kiến đánh giá, so sánh từ các giáo viên.
Đề Văn của Hà Nội 10 năm rồi vẫn vậy
Với kinh nghiệm đứng lớp và thường xuyên ra đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của Bình Phước, thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), nhận định đề thi của TP.HCM hay hơn so với Hà Nội.
“Đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội khá cũ, gò bó với cấu trúc đề tương tự những năm trước. Học sinh, khi trả lời, phải bám sát khía cạnh nhất định trong đoạn văn được trích dẫn. Theo tôi, điều này không còn phù hợp xu thế hiện tại. Đề thi của Hà Nội phù hợp việc luyện tập viết đoạn văn”, thầy Chung nêu quan điểm.
Cũ, nhàm chán và không ấn tượng cũng là nhận định của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), khi nói về đề Văn của Hà Nội năm nay.
“Văn bản trong phần II của đề này đã được sử dụng rất nhiều trong các đề thi cũ. Dù câu hỏi khác, việc dùng lại văn bản quá cũ sẽ khiến học sinh nhàm chán. Nội dung đề và cách hỏi vẫn 'lối cũ ta về', không phát huy sức sáng tạo của học sinh", thầy Minh nói.
Theo thầy giáo đến từ Phú Yên, đề thi của Hà Nội như kiểm tra trí nhớ, yêu cầu học sinh trình bày lại kiến thức đã được dạy, thay vì phát huy sự suy luận, sáng tạo của các em
Ngược lại, thầy Chung và thầy Minh nhận định đề thi môn Ngữ văn của TP.HCM mới mẻ, độc đáo, sáng tạo và phát huy được các kỹ năng của học sinh.
Theo ý kiến của thầy Chung, đề thi của TP.HCM có độ mở tốt, học sinh nào cũng có thể làm được. Song đề vẫn có khả năng phân hóa học sinh cao. Học sinh giỏi sẽ làm rất tốt, đặc biệt là những em cá tính.
Đề thi này giúp học sinh bộc lộ được hết cá tính của bản thân. Bên cạnh đó, đề thi của TP.HCM còn rất phù hợp cấu trúc đề thi THPT của Bộ GD&ĐT.
Xét về tính thời sự và thực tế của hai đề thi, giáo viên đến từ Bình Phước cho rằng đề thi của TP.HCM mang tính thời sự, thực tế và nhân văn hơn đề thi của Hà Nội.
“Ở TP.HCM, đề thi Ngữ văn được xây dựng theo chủ đề, giúp học sinh phát huy được tinh thần tư duy về một hướng. Học sinh sẽ 'đào bới' được hết các khía cạnh và đưa ra nhiều góc nhìn đa dạng trong chủ đề. Về điều này, đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội không thể hiện được”, giáo viên trường chuyên Quang Trung nói.
Cũng theo thầy Chung, đề thi của Hà Nội không gây hứng thú cho người làm bài. Trong khi đó, đề TP.HCM bất cứ ai đọc cũng thích, phát huy được cảm hứng của người làm bài.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đề Văn của TP.HCM khá dài. Với thời gian làm bài 120 phút, học sinh khó làm được trọn vẹn. Đề thi có nhiều văn bản gợi ý cho học sinh.
Nếu TP.HCM tiết chế phần gợi ý, đề thi sẽ hay hơn và tạo cơ hội tốt hơn cho những học sinh giỏi phát huy được hết khả năng của mình. Điều này giúp sự phân hóa của đề cao hơn.
Khao khát được học và dạy như đề TP.HCM
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn trường THPT Marie Curie (Hà Nội), cho biết mỗi năm, đến kỳ thi tuyển lớp 10, cô đều chờ xem đề thi của TP.HCM. Nhiều năm nay, đề thi của TP.HCM không làm những người yêu Văn và dạy Văn thất vọng.
Năm nay, đề thi bám theo chủ đề lắng nghe. Theo nữ giáo viên, đây là cách ra đề mới. Đề thi có tư tưởng, đề cập vấn đề lớn.Chủ đề lắng nghe cũng được trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) ra trong đề Văn chuyên. Nhưng 2 đề thi có tư duy hoàn toàn khác nhau. Đề của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn là lắng nghe nhưng đặt ra vấn đề mang tính quy chụp, ấn định để thí sinh phản biện và thể hiện ý kiến. Đề TP.HCM cởi mở, mỗi câu là một khía cạnh của sự lắng nghe.
Theo cô Lê, với đề thi TP.HCM, học trò không phải lệ thuộc quá nhiều vào lời giảng, phần bài dạy của thầy cô. Các em có thể tự diễn đạt ý của mình. Câu nghị luận văn học đưa ra 3 tác phẩm để học sinh chọn, thể hiện sự cởi mở của người ra đề.
“Cách ra đề của TP.HCM luôn mới, tạo bất ngờ. Việc chấm thi tương đối khó khăn nếu đáp án không bao quát hết tình huống thí sinh có thể đề cập. Điều này gây nên tranh luận, điểm chênh lệch giữa các giám khảo trong quá trình chấm", cô Lê nhận định đề văn TP.HCM sẽ là thách thức với giám khảo.
Xét trên khía cạnh chấm thi và tuyển sinh, nữ giáo viên cho rằng đề của Hà Nội có ưu thế hơn. Cùng một bài làm, điểm chấm giữa giám khảo này và giám khảo kia khó vênh, bởi biểu điểm của đề rõ ràng, không cần tranh cãi. Đề thi Văn nhưng chủ yếu kiểm tra kiến thức và xác định kỹ năng, trình độ viết văn là chủ yếu.
Theo nữ giáo viên, đề thi, ngoài việc chọn lọc học sinh, còn tác động rất lớn vào việc dạy, học. Với đề của Hà Nội, giáo viên sẽ dạy trò những điều cơ bản nhất, luyện giải đề và phải làm đúng như lời thầy cô thì mới được điểm.
Điều này dẫn đến sự trì trệ trong dạy văn, không đánh giá được năng lực văn chương của học sinh và không tìm được học sinh giỏi.
“Để an toàn trong tuyển sinh, mọi người sẽ thích đề Hà Nội. Học sinh cũng sẽ thích vì đề nằm trong phạm vi cơ bản để làm bài. Còn đề TP.HCM lại gợi mở ra hướng mới, việc chấm có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là đề mà tôi nghĩ nhiều giáo viên dạy Văn sẽ khao khát được dạy và hướng dẫn học sinh”, cô giáo trường Marie Curie nói.