Để văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế
Bộ Chính trị đang mở cuộc vận động kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các giai tầng xã hội tham gia góp ý cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong nhiều mối quan tâm, vấn đề phát triển văn hóa và đạo đức xã hội nhận được nhiều ý kiến trao đổi và luận bàn.
Qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Bão lũ tàn phá khủng khiếp và kể từ những thiệt hại đầu tiên, đến nay, cả nước chưa thôi hướng về miền Trung ruột thịt bằng những nghĩa cử yêu thương, sẻ chia thắm đượm nghĩa tình. Truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, đùm bọc nhau lúc nguy nan nói như Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là không phải ở đâu cũng có.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có phần nhận định, đánh giá rất đúng đắn và xác đáng truyền thống tốt đẹp, đặc sắc tinh thần và tình cảm này của dân tộc ta, nhất là trong phòng-chống dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng ghi nhận: “Ngăn chặn đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, hiện trạng văn hóa và đạo đức xã hội ta cũng bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”… “Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội... “Tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn xã hội… chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân” … “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”.
Còn tại dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 thì nhìn nhận: “Việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội và con người còn một số hạn chế... Môi trường văn hóa có nơi còn diễn biến phức tạp, xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống”.
Thiết nghĩ không cần phải dẫn chứng mặt trái xã hội để chứng minh cho luận điểm trên. Nhưng cần thiết chỉ ra nguyên nhân, lý giải vấn đề để xác định giải pháp khắc phục. Mặt trái của cơ chế thị trường; kẽ hở pháp luật bị lợi dụng; cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, nhất quán; công tác kiểm tra, giám sát nhất là vai trò phản biện, tai mắt của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; chế tài xử lý và dư luận xã hội chưa đủ sức giáo dục, cảm hóa, răn đe; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chẳng những không làm gương, tự giác tự rèn trái lại còn vi phạm kỷ luật, pháp luật…
Ngoài những lý do nêu trên, người viết cho rằng, nguyên nhân tự thân của mỗi người là quan trọng nhất. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nhưng con người với đầy đủ bản ngã, hồi ức, tâm lý, vốn sống, trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết… riêng mình. Vì vậy, nhân cách con người quan trọng ở chỗ biết tốt biết xấu, tốt thì học hỏi, xấu thì tránh xa; là năng lực tự giác tự rèn, phấn đấu, giáo dục, vượt lên hoàn cảnh, nghịch cảnh. Không thể biện minh, đổ lỗi cho nhận thức và hành vi sai trái là do hoàn cảnh, tác động nhất thời hay vì lý do gì khác.
Về điểm này, người viết cho rằng đi đôi với giáo dục, rèn luyện, kêu gọi sự tự giác thì pháp luật phải nghiêm. Pháp luật chưa nghiêm thì không thể kêu gọi, vận động văn hóa, đạo đức hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức bắt buộc phải gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, không được vi phạm đến mức ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Đảng, của tổ chức. Một khi hình thành được dư luận xã hội rộng lớn, mạnh mẽ để đâu đâu cũng đồng lòng thực hiện đả phá, lên án thì cái xấu, cái ác sẽ phải xấu hổ, “co vòi”, “cụp đuôi”, khó có đất sống. Hiện tại, yêu cầu này rất cần, rất cấp thiết nhưng chúng ta vẫn chưa làm được.
Dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng đều thống nhất kế thừa và phát huy đầy đủ, sâu sắc các bài học kinh nghiệm: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hóa dân tộc ta”. Và để thực hiện mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới là “Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của người dân, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân…”, trong các đột phá chiến lược, Đảng ta chủ trương: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Với tổ chức Đảng và đảng viên, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, phần nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá của công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới được Trung ương xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ đầu tiên là “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương”.
Tin tưởng với những mục tiêu, đột phá chiến lược và giải pháp khoa học, văn hóa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, và vai trò văn hóa trong xây dựng con người được xác định đúng tầm, như khẳng định của Đảng.