Để văn hóa trở thành động lực phát triển
Thời gian qua, nhiều chính sách, cơ chế đầu tư cho văn hóa được ban hành tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực đầu tư này vẫn chưa xứng tầm, thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, dẫn tới hiệu quả chưa như mong muốn.
Năm 2024, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa" ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt.
Trong các kết quả đạt được, năm 2024 cũng là năm đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.
Các sự kiện văn hóa từ điện ảnh, âm nhạc đến lễ hội truyền thống đã không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn thúc đẩy đáng kể cho ngành du lịch và kinh tế địa phương. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội, hay kể cả Liên hoan Phim Hoạt hình lần đầu tiên đã tạo dấu ấn sâu sắc, đưa văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Đầu tư chưa tương xứng
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập… GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, tinh thần đặt tầm quan trọng của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đã được triển khai và đưa vào các chiến lược phát triển văn hóa, các chương trình hành động từ sau Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
“Tuy nhiên, việc này chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số địa phương có điều kiện về kinh tế, nguồn thu ngân sách cao đã có sự đầu tư tương xứng cho văn hóa phát triển. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn gặp khó khăn và phải trông chờ vào trợ cấp từ Trung ương, nên rất khó. Một phần do chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, phần khác do không có kinh phí” - GS.TS Từ Thị Loan nói.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.
Điển hình là trường hợp của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn được đầu tư nhưng cho tới nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Theo đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, Làng Văn hóa là khu vực có quy hoạch ổn định nhất ở Hà Nội, nhưng việc đầu tư còn nhiều khó khăn và không khả thi do chính sách, cơ chế đầu tư chưa rõ ràng, quy định chức năng, nhiệm vụ cũng còn nhiều vướng mắc với các quy định, các luật khác như Luật Đất đai…
Hay như ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ThS Cao Ngọc Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) cho biết hiện vẫn còn một số bất cập. Lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nguồn nhân lực - hệ thống nghệ sỹ biểu diễn, đội ngũ sáng tạo và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp đang còn thiếu và rất yếu.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, mặc dù từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương đã gia tăng đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành văn hóa. Một số địa phương và ngành chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững; chưa thực sự coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. “Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số chính sách phát triển văn hóa ở địa phương chưa phù hợp hoặc chưa được thực thi hiệu quả” - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, đúng là có việc nhiều địa phương còn gặp khó khăn dẫn đến đầu tư cho văn hóa chưa được ưu tiên hơn so với các lĩnh vực cấp thiết khác như điện, đường, trường, trạm. Nhiều thiết chế văn hóa cũng chưa chứng minh được sự năng động, đóng góp tích cực của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khiến cho vai trò của văn hóa chưa thực sự được coi trọng.
Thay đổi nhận thức, thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia văn hóa, cần thay đổi cách nhìn nhận đối với tầm quan trọng của văn hóa. Những nỗ lực liên tục và sự đầu tư vào văn hóa sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng để duy trì và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của Việt Nam trong tương lai. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chỉ khi các địa phương, cấp ngành nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của phát triển văn hóa đối với sự phát triển bền vững của địa phương, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì lúc đó văn hóa mới được quan tâm đầu tư xứng tầm.
Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa thông qua các quỹ, chính sách tài chính, đất đai và cơ chế ưu đãi khác phù hợp với từng địa phương, ngành. Đầu tư và phân bổ ngân sách hợp lý cho các hoạt động và dự án văn hóa, đảm bảo nguồn lực đầy đủ để thực hiện các chương trình phát triển văn hóa. Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng trong việc đầu tư và hỗ trợ phát triển văn hóa.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước quy định tối đa đầu tư cho văn hóa là 2% tổng chi ngân sách. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách rất là khó. Vì vậy, có thể vận dụng thêm các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
“Đặc biệt, triển khai công tác xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều địa phương đã triển khai các thiết chế văn hóa hoàn toàn do người dân quyên góp, xây dựng và vận hành nội dung hoạt động… Chính vì vậy phải huy động sự đóng góp và chung tay của người dân địa phương” - bà Loan nói.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc Nghệ thuật và nhà sản xuất, người sáng lập dự án "Lên ngàn" cho rằng, thay đổi cách tiếp cận của chính quyền sẽ khuyến khích các hợp phần trong khu vực văn hóa, nghệ thuật - sáng tạo; chủ động hơn trong việc mở rộng mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy những thay đổi tích cực trong nền kinh tế. Điều này cũng sẽ mang tới môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra các cơ hội về phát triển thương mại và hợp tác quốc tế thông qua văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, cần tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.
TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch:
Văn hóa là động lực cho sự phát triển
Chỉ số đầu tư cho văn hóa chỉ nâng lên cao một chút sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ngày 24/11/2021. Nhưng cho đến nay chi thường xuyên rất thấp, chỉ chú trọng đến chương trình mục tiêu, trong khi nhiều chương trình mục tiêu lại khó giải ngân cho văn hóa. Các tỉnh phải có sự thay đổi cách nhìn nhận về văn hóa từ những người đứng đầu cho đến các phòng ban từ tỉnh xuống xã. Song song với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính các địa phương phải thay đổi, cần phải nhận thức rằng chính văn hóa tạo động lực xây dựng con người mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Tín hiệu mừng cho phát triển công nghiệp văn hóa
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn. Muốn thực hiện được điều này cần phải cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-van-hoa-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-10296941.html