Để vận tải hành khách đường bộ đáp ứng nhu cầu xã hội

Những năm gần đây, phương tiện kinh doanh vận tải khách hành đường bộ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với lĩnh vực kinh doanh này.

Trạm sạc pin xe ô tô điện ở TP. Đông Hà tấp nập phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ sử dụng dịch vụ -Ảnh: T.N

Trạm sạc pin xe ô tô điện ở TP. Đông Hà tấp nập phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ sử dụng dịch vụ -Ảnh: T.N

Năm 2024, thị trường kinh doanh vận tải hành khách Quảng Trị trở nên sôi động hơn sau khi Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM đầu tư gần 200 xe dịch vụ taxi điện để phục vụ người dân trên địa bàn.

Theo anh Trương Xuân Thắng, nhân viên lái xe của công ty, sau 3 tháng tham gia dịch vụ taxi điện, với ưu thế thân thiện với môi trường, không ồn, không mùi, tiết kiệm chi phí vận hành đã mang lại những lợi ích thiết thực nên ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi ngày anh đưa xe đến trạm sạc pin 1 lần, với chi phí khoảng 110.000 đồng. Với lượng điện này thì có thể chạy 280 km.

Cũng vì chi phí nhiên liệu thấp nên giá cước taxi điện rẻ hơn taxi truyền thống từ 2.000 - 3.000 đồng/km. “Trung bình mỗi ngày tôi vận chuyển từ 15 - 25 lượt khách, tùy vào thời tiết. Khách sử dụng dịch vụ chủ yếu trên địa bàn TP. Đông Hà và một số huyện lân cận. Với lượng khách này, mỗi tháng thu nhập dao động từ 8 - 15 triệu đồng”, anh Thắng cho hay.

Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, hiện đại đảm bảo hoạt động an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Quảng Trị đi 17 tỉnh, thành phố với 35 đơn vị vận tải trong và ngoài tỉnh tham gia khai thác; riêng tỉnh Quảng Trị có 11 đơn vị tham gia vận tải hành khách tuyến cố định khai thác trên 38 tuyến (21 tuyến liên tỉnh, 17 tuyến nội tỉnh) với 243 xe; 1 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên 2 tuyến xe buýt với 10 xe; 8 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 350 xe; 14 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 319 xe. Hiện tỉnh cũng đang hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa vào vận hành khai thác tuyến xe buýt liên tỉnh Huế - Quảng Trị.

Tuy vậy, sự gia tăng về số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định; nạn “xe dù bến cóc” chưa được giải quyết dứt điểm.

Đặc biệt hiện nay, tình trạng xe ô tô vận tải hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh vận tải, hoạt động theo hội nhóm trên các mạng xã hội với hình thức “xe ghép”, đưa đón hành khách tận nơi diễn ra ngày càng phổ biến.

Theo Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Trị Lê Vĩnh Thịnh, hiện có quy định pháp luật về hình thức xe trung chuyển nên một số đơn vị, cá nhân lách luật, trá hình dưới nhiều hình thức vận tải hành khách nhưng lực lượng thanh tra, kiểm soát của cơ quan chức năng mỏng nên không thể kiểm soát hết.

Trên địa bàn tỉnh có một số phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định phải chịu phí 2 đầu bến, không cạnh tranh lại các phương tiện kinh doanh vận tải trôi nổi bên ngoài nên họ bỏ tuyến ra ngoài; một số phương tiện hạ tải xe van 16 chỗ cũng tham gia chở người; xe dịch vụ hợp đồng đón khách của cá nhân không chịu sự quản lý của cơ quan nào cả.

Mặc dù dịch vụ vận tải hành khách này có sự tiện lợi nhất định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như an ninh trật tự, gây cạnh tranh không bình đẳng. Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua các bến xe thường xuyên theo dõi và kiến nghị với cơ quan cảnh sát giao thông về các phương tiện không tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải hành khách để xử lý.

Hiện thanh tra Sở Giao thông vận tải đang tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 4 doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách. Nội dung kiểm tra là điều kiện pháp lý, điều kiện quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, hoạt động của bộ phận quản lý an toàn giao thông, niêm yết giá, phòng cháy chữa cháy... để chẩn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ.

Thời gian tới, để nâng cao công tác quản lý nhà nước về đăng ký hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách, sở tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền đối với các chủ phương tiện các quy định về kinh doanh vận tải; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện đồng bộ các giải pháp như siết chặt công tác quản lý vận tải; tăng cường kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera; giám sát công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu xe theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/de-van-tai-hanh-khach-duong-bo-dap-ung-nhu-cau-xa-hoi-187511.htm