Đề Văn thi học sinh giỏi quốc gia: Học sinh, giáo viên kỳ vọng sự đổi mới

Đề Văn thi học sinh giỏi quốc gia vẫn quen thuộc, chưa có sự đổi mới, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của thầy trò.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025 diễn ra trong hai ngày 25 và 26-12 với gần 6.500 thí sinh tham dự, tăng hơn 660 em so với năm ngoái.

 Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đề thi gây khó cho thí sinh

Đề Văn thi học sinh giỏi quốc gia gồm 2 câu là nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Câu hỏi nghị luận xã hội dẫn một diễn ngôn về trái đất của nhà khoa học người Anh James Lovelock và yêu cầu thí sinh viết một bài văn nghị luận về chủ đề Lắng nghe sự thinh lặng".

Ở câu nghị luận văn học, thí sinh dùng trải nghiệm văn học của bản thân để bàn luận về quan điểm của nhà văn kiêm triết gia danh tiếng người Pháp Albert Camus: "Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi".

“Đề văn chưa có sự đổi mới, quá quen thuộc” - một thí sinh đánh giá. Tuy nhiên theo nữ sinh này, đề văn có sức gợi mở. “Lắng nghe sự thinh lặng của thiên nhiên là vấn đề khá gần gũi nhưng từ đây có thể suy ra nhiều vấn đề khác” - nữ sinh này bày tỏ.

Thầy Phan Quan Thông, Tổ trưởng tổ ngữ Văn, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) đánh giá đề Văn thi học sinh giỏi quốc gia đề cập đến một vấn đề khá thú vị là lắng nghe sự thinh lặng. Muốn "lắng nghe" sự thinh lặng ấy, con người không thể dùng những giác quan thông thường mà cần phải có sự thấu cảm, xuất phát từ sự tĩnh lặng trong tâm hồn, tìm về với những giá trị cốt lõi của con người, lui mình về trước những xô bồ của cuộc sống.

Với chủ đề này, học sinh cần kết hợp kĩ năng làm bài nghị luận xã hội và những trải nghiệm sâu sắc của bản thân về cuộc sống mới có thể làm tốt câu này.

Về câu nghị luận văn học, đề thi trích dẫn lời phát biểu của nhà văn Albert Camus về hành trình "tôi luyện" của người nghệ sĩ, mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với với cuộc sống và trách nhiệm của họ với cộng đồng, với thời đại trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Lời phát biểu khá trừu tượng, học sinh cần tường minh câu chữ để làm rõ vấn đề nghị luận kết hợp với trải nghiệm văn học của mình để làm sáng tỏ vấn đề.

“Nhìn chung, đây là một đề có tính phân hóa cao, đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa với xã hội và nghệ thuật, phù hợp với tính chất của kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Tuy nhiên, hai ngữ liệu được chọn khá rối về mặt câu chữ, chưa tường minh về ngữ nghĩa, sẽ là một thử thách lớn đối với học sinh tham gia kì thi” - thầy Thông nhận xét.

Vẫn chưa có sự đột phá

Đồng quan điểm, cô HN, một giáo viên dạy văn cũng nhìn nhận vấn đề nghị luận được chọn thú vị và độc đáo. Thoạt tiên, cụm từ “Lắng nghe sự thinh lặng” có thể khiến người nghe, người đọc cảm thấy mâu thuẫn, bởi con người thường dùng thính giác để “lắng nghe” mọi thứ âm thanh của cuộc sống.

Ở đây, lắng nghe được hiểu với nghĩa chuyển, đó là sự khả năng cảm nhận cuộc sống ở chiều sâu bằng tất cả các giác quan. “Lắng nghe sự thinh lặng” chính là sống chậm, sống sâu để cảm nhận được tất cả những điều kì diệu, sự bí ẩn của vạn vật. Để làm tốt câu này, thí sinh không chỉ cần nắm vững kĩ năng viết bài mà còn thực sự phải có vốn sống phong phú và sự tinh tế, sâu sắc trong quan sát, suy nghĩ.

Ở câu nghị luận văn học đề cập đến mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và cộng đồng. Đây là một vấn đề có ý nghĩa với đời sống văn chương. Đề chọn vấn đề này hoàn toàn không bất ngờ với học sinh. Trong quá trình ôn luyện, các em đều được tìm hiểu về đặc điểm, ý nghĩa của mối quan hệ hai chiều giữa người nghệ sĩ và cộng đồng trong văn chương.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng việc trích dẫn diễn từ của Albert Camus cần được cân nhắc kĩ hơn vì ý kiến của Camus được diễn đạt khá trừu tượng, không dễ hiểu với đa phần học sinh. Nó có thể khiến các em cảm thấy hoang mang hoặc mông lung mơ hồ trong quá trình làm bài” - cô giáo này nói.

Cũng theo giáo viên trên, đề văn thi học sinh giỏi quốc gia quen thuộc về cả cấu trúc, nội dung. Đó là một đề bài an toàn cho một kì thi có quy mô toàn quốc và thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh.

“Là một giáo viên đang thực hiện chương trình giáo dục 2018, tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn mong muốn đề thi học sinh giỏi quốc gia thay đổi theo định hướng của chương trình mới. Thực tế, kì thi học sinh giỏi các cấp đã có sự chuyển mình, kì thi tốt nghiệp năm 2025 đã có nhiều đổi mới theo hướng phát triển năng lực phẩm chất của học sinh.

Điểm mới nổi bật nhất là phần đọc hiểu và nghị luận văn học đã đưa ra ngữ liệu mới, nằm ngoài sách giáo khoa để đánh giá năng lực đọc hiểu và viết của học sinh. Theo đó, kì thi học sinh giỏi quốc gia cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với tinh thần của chương trình mới” - cô giáo này mong muốn.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-van-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-hoc-sinh-giao-vien-ky-vong-su-doi-moi-post826827.html