Để việc đóng quỹ lớp thực sự tự nguyện
Năm học 2023 - 2024 bắt đầu chưa được một tháng, song câu chuyện lạm thu các loại tiền quỹ đã diễn ra ở nhiều nơi, khiến dư luận xã hội bức xúc. Đây không phải hiện tượng mới mà thường diễn ra mỗi khi bắt đầu năm học. Mặc dù ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng hình thức thu 'tự nguyện' vẫn chưa được các trường, lớp triển khai đúng thực chất.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, Trường Trung học Cơ sở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), có nhiều khoản lạ xuất hiện trong bản thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn, tiền tri ân các thầy, cô giáo dịp Tết từ 45 triệu đến 50 triệu đồng; tiền đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; kinh phí họp các Trưởng ban các lớp, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kì 1, tổng kết năm học từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng... Tổng số tiền dự kiến chi trong năm học là hơn 500 triệu đồng.
Trước đó, cũng tại huyện Thanh Trì, các phụ huynh thông tin về việc lớp 1A5 Trường Tiểu học Hữu Hòa “muốn lắp điều hòa, máy chiếu cho con, phải cam kết tặng lại nhà trường khi học sinh ra trường, nếu không tặng, nhà trường sẽ không cho lắp”.
Việc lạm thu xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) khi có thông tin phản ánh lớp 12 Văn thu quỹ học kỳ một 4,5 triệu đồng/học sinh. Hay tại Trường Trung học Cơ sở Đông Hội (huyện Đông Anh), tổng số tiền thu lên tới gần 7,5 triệu đồng/học sinh (thông tin trên mạng xã hội) gây xôn xao dư luận.
Được biết, đối với thông tin phản ánh tại Trường Tiểu học Hữu Hòa, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập tổ công tác xác minh. Kết quả cho thấy, nhà trường không chỉ đạo, không phát ngôn, yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin phản ánh mà do các phụ huynh đã tự lập nhóm để bàn bạc về việc lắp điều hòa trên tinh thần tự nguyện. Với thông tin lạm thu ở Trường Trung học Cơ sở Tứ Hiệp với tổng số tiền dự kiến chi trong năm học là hơn 500 triệu đồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát cho biết, huyện đã có chỉ đạo phải xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân vi phạm quy định liên quan đến công tác thu, chi và tuyệt đối không bao che cho hành vi vi phạm.
Việc lạm thu xảy ra tại lớp 12 Văn, Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An đã được nhà trường xác định là do lớp đã không thực hiện đúng quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhà trường đã yêu cầu lớp trả lại các phụ huynh khoản thu này. Việc trả lại đã thực hiện xong.
Thực tế cho thấy, mặc dù cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn công tác thu chi, song câu chuyện thu “tự nguyện” dường như vẫn còn mang tính hình thức chưa đúng thực chất. Nhiều phụ huynh cho biết, họ không có ý kiến ngay tại cuộc họp bởi ý kiến của họ chỉ đại diện cho số ít, khó thuyết phục số đông. Hơn nữa, phụ huynh không muốn con mình bị chú ý, ảnh hưởng đến việc học tập nên đành “tự nguyện” nộp. Chỉ đến khi tổng số tiền phải đóng quá lớn, họ mới lên tiếng với bạn bè, người thân hoặc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.
Nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh bức xúc, vừa là danh mục các khoản thu, vừa là cách thu gộp, thu dồn các khoản vào dịp đầu năm. Thực tế, trong các khoản thu, có những khoản thu bắt buộc như tiền học phí, có những khoản thu hộ như quỹ Đội, quỹ Đoàn…, có những khoản thu thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường như tiền ăn, tiền xe đưa đón… Bên cạnh đó, còn có cả các khoản thu tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu như quỹ lớp…
Việc không minh bạch giữa các khoản thu, cào bằng, bổ đầu các khoản thu tự nguyện là vấn đề thường gây bức xúc nhất. Với các khoản thu được quy định là chỉ được thu trên nguyên tắc tự nguyện nhưng khi Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, có nơi lại cố tình áp đặt mức thu mà không căn cứ vào khả năng đóng góp của từng phụ huynh.
Tại Công văn số 3198/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành ngày 31/8/2023 hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2023 - 2024, đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ; không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Thông tư 55/2011/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh quyên góp của người học hoặc gia đình người học phải dựa theo nguyên tắc tự nguyện. Trong buổi họp phụ huynh, các khoản thu tự nguyện phải được thông qua, nếu phụ huynh thống nhất, ủng hộ mới được tiến hành thu. Khi thu, Ban đại diện cha mẹ học sinh thường nhờ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thể thu hộ theo mức đóng góp mà đã được thông qua trong buổi họp phụ huynh trước đó.
Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Nhiều văn bản quy định thu chi đầu năm đã được ban hành. Song tình trạng lạm thu vẫn xảy ra khiến phụ huynh bức xúc. Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, ngành giáo dục cần triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về vấn đề này. Cùng với đó, mỗi phụ huynh cần mạnh mẽ lên tiếng trước các khoản thu vô lý, giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý ngay khi tiếp nhận thông tin.