Để việc lấy phiếu tín nhiệm được thực chất

Quy định 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Theo đó, Quy định 96-QĐ/TW nêu rõ hai tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).

Tuy nhiên, người dân chưa có nhiều kỳ vọng về kết quả lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm bởi trước đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 cùng về nội dung này, nhưng quy định sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm chỉ để "tham khảo", không phải để truy xét trách nhiệm, hay thay thế cán bộ. Vào các năm 2013, 2014 và 2018, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt, nhưng sau khi lấy phiếu hầu như chẳng có chuyện gì thay đổi. Có vị tư lệnh ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có thời gian lãnh đạo, quản lý được nửa nhiệm kỳ, thậm chí quá cả nhiệm kỳ mà ở đó vẫn trì trệ, lẹt đẹt, không sửa chữa, khắc phục được những yếu kém, mà còn để xảy ra thêm những sai phạm, tạo dư luận không tốt.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh TTXVN

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh TTXVN

Bên cạnh đó, hiện tượng trước đây cán bộ lãnh đạo, quản lý để người thân lợi dụng tầm ảnh hưởng can thiệp vào công tác đề bạt, bổ nhiệm, "nâng đỡ không trong sáng", xây dựng các doanh nghiệp sân sau; thực hiện hành vi bao che cho các sai phạm của cấp dưới để trục lợi… là không hiếm, nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm thì không đánh giá những tiêu chí này. Nên họ vẫn "yên vị", không bị xử lý, đào thải, vẫn bình an đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Quy định số 96-QĐ/TW mới về lấy phiếu tín nhiệm có nhiều sự thay đổi cho phép chúng ta kiểm soát tốt hơn quyền lực của cán bộ. Trong đó, quy định việc xem xét sự gương mẫu của vợ, chồng, con, của cán bộ trong việc chấp hành chủ trương, đường lối chính sách để làm một tiêu chí đánh giá tín nhiệm của cán bộ. Việc nêu gương của bản thân và gương mẫu của vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là một bước tiến, thể hiện một sự chặt chẽ hơn trong các quy định, thể chế của công tác cán bộ nhằm không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm trở thành cơ sở, căn cứ để đánh giá cán bộ, bố trí sử dụng cán bộ, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp (từ 50 - 66,7%) thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Đây là bước để hạn chế, khắc phục hiện tượng cán bộ uy tín thấp, năng lực kém nhưng vẫn ngồi nguyên vị trí hoặc được cất nhắc ở vị trí tương đương, thậm chí sau một thời gian ngắn lại được "nâng đỡ" thăng chức lên vị trí cao hơn sẽ không còn. Điều đó phản ánh đúng quy luật "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trong công tác cán bộ.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm được công khai, minh bạch và sát thực thì cần phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm của những người tham gia bỏ phiếu; đồng thời phải cung cấp thông tin cần thiết về đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cho những người tham gia bỏ phiếu tín nhiệm nắm được. Thực tế cho thấy, ngay trong một phòng, một ban, cán bộ, công chức còn chưa tới thăm nhà của nhau; còn chưa biết vợ, chồng của đồng nghiệp đang làm gì, ở đâu thì những người ghi phiếu tín nhiệm khác cơ quan, đơn vị với người được lấy phiếu tín nhiệm làm sao có thể biết được đầy đủ, chính xác về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là những phản ánh liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.

Việc tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố rộng rãi kết quả tín nhiệm là rất cần thiết để đánh giá một cách dân chủ, khách quan, trung thực, toàn diện sẽ tạo ra những áp lực rất lớn cho người được lấy phiếu tín nhiệm, mặt khác cũng là để cán bộ lãnh đạo, quản lý nhìn nhận lại mình, tạo thành động lực giúp hoàn thiện bản thân để phấn đấu phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-viec-lay-phieu-tin-nhiem-duoc-thuc-chat-i685097/