Để việc ứng xử trên mạng xã hội thực hiện theo đúng quy định

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc tương tác, ứng xử trên mạng xã hội được nhiều người dân sử dụng. Bên cạnh những điều tích cực thì vẫn còn những thông tin chưa chính xác, mang tính câu view, câu like, được người sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ, gây hậu quả tiêu cực, buộc cơ quan quản lý phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử, nhằm tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai với phòng chuyên môn về các giải pháp thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Quang

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai với phòng chuyên môn về các giải pháp thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về Bộ Quy tắc ứng xử theo Quyết định 874/ QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về những thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua?

Đ/c Trần Thị Thảo: Có thể nói, mạng xã hội ở Việt Nam trở thành một kênh thông tin được người dân rất quan tâm, dành nhiều thời gian để sử dụng. Với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, mạng xã hội đã giúp người dân dễ kết nối, giao lưu, là kênh để học hỏi tri thức, khai thác thông tin, bày tỏ tình cảm và thư giãn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp thì mạng xã hội được xem là "cây cầu" kết nối mọi người. Với ưu thế cập nhật nhanh nên những thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch được người dân tiếp cận nhanh hơn, rộng rãi hơn, góp phần truyền tải những câu chuyện cảm động, hình ảnh đẹp. Đặc biệt, các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp, các ngành cũng được chia sẻ qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin có độ chính xác cao, cũng xuất hiện các tin giả, tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng và trật tự an toàn xã hội. Các tin này đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng ngăn chặn và xử lý kịp thời. Các biện pháp xử lý sau đó được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ đúng, sai và tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở đã ra quyết định xử phạt 8 đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật trên không gian mạng, nộp ngân sách Nhà nước 52,5 triệu đồng. Trong đó, có 4 vụ việc về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về sự cần thiết phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ thông tin và Truyền thông trong thời điểm hiện nay?

Đ/c Trần Thị Thảo: Với đặc tính đa dạng và phức tạp của mạng xã hội hiện nay, sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là cần thiết để hạn chế được mức thấp nhất những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trên mạng xã hội; điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử, góp phần xây dựng môi trường mạng phát triển an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Với yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Quy tắc được cho là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục… qua đó sẽ tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dùng, cùng chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội Việt Nam ngày càng lành mạnh, thân thiện, văn minh, hiện đại, hướng đến giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc con người Việt Nam, giúp mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích

Đồng thời, Bộ Quy tắc cũng góp phần truyền tải thông điệp, năng lượng tích cực cho người dùng và giúp mỗi người tham gia mạng xã hội hiểu được sự cần thiết phải thay đổi thói quen và văn hóa ứng xử trên môi trường ảo nhưng có tác động đến xã hội thật, trở thành một công dân số có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và với chính bản thân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hiện nay áp dụng cho đối tượng nào, mang tính bắt buộc hay khuyến cáo?

Đ/c Trần Thị Thảo: Bộ Quy tắc ứng xử áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc mang tính khuyến nghị, trong đó tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp các đối tượng tham gia mạng xã hội, tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan.

Phóng viên: Vậy hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử như thế nào để đảm bảo thông tin chính thống lan tỏa tới người dân khi sử dụng mạng xã hội?

Đ/c Trần Thị Thảo: Thực hiện Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đang trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai phổ biến, quán triệt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874 của Bộ Thông tin và Truyền thông đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; các cơ quan báo chí của tỉnh và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên địa bàn tỉnh trong triển khai, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí có những khuyến cáo gì đến người dân khi sử dụng mạng xã hội, trở thành người sử dụng trên nền tảng số thông thái, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông trong xu thế phát triển hiện nay?

Đ/c Trần Thị Thảo: Để trở thành người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông trong xu thế phát triển hiện nay. Theo tôi, mỗi người dùng phải có những kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và pháp luật về không gian mạng nói riêng, đồng thời tuân thủ các quy tắc ứng xử chung được quy định tại Điều 3, Bộ quy tắc ứng xử.

Các quy tắc đó được áp dụng cho các nhóm đối tượng, để dễ hiểu, dễ nhớ, có thể khái quát lại bằng các cụm từ "Tôn Trọng-Trách nhiệm -An toàn -Lành mạnh".

Đồng thời, người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm là người phải thực hiện nghiêm các quy tắc riêng cho nhóm đối tượng của mình đã được Bộ quy tắc ứng xử quy định, với 4 nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm: Tổ chức, cá nhân; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; các cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-viec-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-thuc-hien-theo-dung-quy/d20211001105422608.htm