Để 'viên ngọc quý' Mường Lay sáng mãi trên đỉnh trời Tây Bắc
Từ lâu, vùng đất Mường Lay (tỉnh Điện Biên) được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, non nước mây trời hài hòa, xanh mát bốn mùa như một lời mời gọi thiết tha du khách đến với nơi này. Được xem là 'viên ngọc quý' trên đỉnh trời Tây Bắc, thị xã Mường Lay hôm nay sẽ ngày càng khởi sắc, nếu được sự đầu tư đồng bộ, bài bản để phát triển du lịch.
Hấp dẫn Mường Lay
Thị xã Mường Lay (tiền thân là thị xã Lai Châu cũ) nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên trong một thung lũng hẹp, dài - nơi tụ thủy của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Vùng đất này mang nét đặc trưng của khí hậu ôn hòa vùng Tây Bắc, tiêu biểu cho nơi đất trời, sông núi giao hòa. Địa hình thị xã Mường Lay khá đa dạng với đồi núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối nhiều. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái trắng, với những mái nhà sàn của người Thái quần cư, vừa cổ xưa với kiến trúc truyền thống, vừa hiện đại cùng nếp sống còn lưu giữ đậm đặc chất bản địa.
Xét về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc, thì đây là thị xã nhỏ nhất cả nước. Nhưng thị xã Mường Lay lại mang vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa với những dãy phố nhà sàn chạy dài bên lòng hồ thủy điện yên bình, đặc trưng kiểu “trên bến dưới thuyền” mà không phải nơi nào cũng có. Nét độc đáo đó cùng với cuộc sống gắn bó sông nước, còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống của người dân bản địa chính là lợi thế để Mường Lay khai thác, phát triển kinh tế nói chung, hoạt động du lịch nói riêng.
Mường Lay trước kia là nơi dòng sông Đà hùng tráng chảy qua. Cho đến khi làm thủy điện, dòng nước được chặn lại, không chỉ mang đến cho thị xã vẻ đẹp tráng lệ, mà còn là nguồn cung cấp cá, tôm dồi dào. Mặt khác, từ khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, mực nước lòng hồ sông Ðà tại thị xã Mường Lay dâng cao, hồ rộng chừng 100ha đã tạo cho thị xã một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, có thể được xem như một “Hạ Long trên cao” giữa vùng trời Tây Bắc.
Ở đây, ngoài cảm giác về một thế giới thiên nhiên hoang sơ, du khách còn được đắm mình trong không gian giàu chất huyền thoại xung quanh dòng sông Đà cuộn chảy năm nào. Mỗi khi mực nước dâng cao trên 200m so với thời điểm chưa tích nước, vùng sông nước mênh mông này có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi non bao quanh hùng vĩ, là những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình du lịch tham quan, khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, dã ngoại. Vì vậy, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Mường Lay xác định khai thác tiềm năng du lịch lòng hồ là một hướng đi mới, quan trọng. Du khách đến đây có thể du ngoạn lòng hồ ngắm cảnh sắc thiên nhiên và tham quan các mô hình nuôi cá lồng bè, trực tiếp tham gia trải nghiệm đánh bắt thủy sản.
Dù địa bàn nhỏ hẹp, nhưng Mường Lay có đến 3 di tích, di sản cấp quốc gia: Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù Lai Châu, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghệ thuật xòe Thái và Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng. Mường Lay còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đa dạng. Đây là nơi cư trú của 9 dân tộc anh em. Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc như Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội đua thuyền đuôi én... luôn được đồng bào gìn giữ và phát huy. Cũng trong hành trình khám phá Mường Lay, du khách có thể tìm đến những chứng tích lịch sử, nghe những câu chuyện xưa cũ về “địa ngục trần gian” Nhà tù Lai Châu do thực dân Pháp xây dựng, Dinh thự một thời xa hoa bậc nhất vùng Tây Bắc của “vua Thái” Ðèo Văn Long, hay khu nghỉ dưỡng Pú Vạp mây bềnh bồng quanh năm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển...
Để Mường Lay trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc
Theo ông Chui Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, thời gian tới, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch, thị xã đề ra 12 nhóm giải pháp: Ngoài các giải pháp về nâng cao trách nhiệm của nhân dân và các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương sẽ tập trung vào phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. “Chúng tôi sẽ kết nối du lịch khám phá, trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La và các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các bản của dân tộc Thái tại khu vực đô thị, bản người Mông tại các bản vùng cao, khu vực bãi cất cánh của bộ môn dù lượn...” - ông Thành cho biết.
Khoảng từ tháng 9 cho đến tháng 3 là thời điểm thủy điện Sơn La tích nước. Đây là mùa nước nổi ở Mường Lay và cũng là thời điểm lý tưởng để địa phương này đón du khách trong và ngoài tỉnh. Thị xã cũng sẽ tiếp tục củng cố, phát triển thêm các sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch thể thao mạo hiểm, gắn với đó là việc tiếp tục tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én và Giải vô địch các Câu lạc bộ dù lượn quốc gia hằng năm, hướng tới tổ chức giải dù lượn mang tầm quốc tế.
Cùng với đó, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Điện Biên trên địa bàn thị xã như trải nghiệm núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Thị xã Mường Lay có tỉ lệ độ che phủ rừng cao nhất tỉnh (trên 65%), là điểm thu hút để du khách đến với Mường Lay vừa trải nghiệm sông nước, vừa khám phá núi rừng... “Chúng tôi cũng định hướng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh. Hiện tại, thị xã đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu văn hóa tâm linh, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Hoàn thiện về thủ tục, trình tự để đầu tư Khu nghỉ mát Pú Vạp để phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cũng như các sản phẩm du lịch giải trí khác... Qua đó, sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn thị xã” - ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Mường Lay tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh trên địa bàn như: Khu nghỉ mát Pú Vạp, khu nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng ở các bản vùng cao, gắn với trải nghiệm dù lượn... Kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thu hút khách đến với thị xã, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, hưởng lợi từ các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thị xã Mường Lay sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Điện Biên thuộc phân vùng 3 của Đề án. Trong đó, có tuyến du lịch đường thủy (Mường Lay - Sơn La - Hòa Bình và ngược lại); tuyến du lịch đường bộ (Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ - Mường Lay - Lai Châu - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội) và ngược lại; tuyến du lịch quốc tế (từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng - Mường Lay - Điện Biên Phủ). Đặc biệt, Cảng hàng không Điện Biên đã được khánh thành, đưa vào khai thác từ tháng 12/2023 là điều kiện vô cùng thuận lợi để Mường Lay phát triển trong tương lai không xa.