Để Việt Nam trở thành 'Bếp ăn của thế giới'?
Năm 2007, tại một hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh, 'cha đẻ' của ngành marketing hiện đại Philip Kotler đã từng phát biểu rằng nếu Trung Quốc là 'công xưởng của thế giới', Ấn Độ là 'văn phòng của thế giới' thì Việt Nam kỳ vọng hãy là 'bếp ăn của thế giới' trong tương lai.
Sau 17 năm, ẩm thực Việt ngày càng ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế không chỉ bởi hương vị, cách chế biến ấn tượng mà còn ẩn chứa cả nét đẹp văn hóa của dân tộc trong từng món ăn với các món ăn hàng đầu được nhắc như: bánh mỳ, phở bò, bún chả, quẩy, bánh hỏi, nem rán, bánh xèo, bún bò Huế, bò kho,... Trong đó, có những người nổi tiếng hay chính khách quốc tế đã không ngần ngại bày tỏ sự hâm mộ và tình yêu đối với ẩm thực đất nước Việt Nam.
Đặc biệt, những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam liên tục được xướng tên trong những giải thưởng quốc tế danh giá như Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards) vinh danh Thủ đô Hà Nội là "Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới", "Thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á"; Thành phố Hồ Chí Minh được Tạp chí Time Out (Anh) bình chọn ở vị trí thứ 4 trong danh sách 20 thành phố có ẩm thực ngon nhất thế giới.
Mới đây nhất (2024), trong năm thứ 2 đến thị trường Việt Nam, Cẩm nang Michelin tiếp tục mở rộng trao 1 sao Michelin cho 7 nhà hàng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng như gia tăng danh sách bình chọn cho các nhà hàng có "chất lượng món ăn tốt với giá cả phải chăng" (Bib Gourmand) và nhà hàng được Michelin tuyển chọn (Michelin Selected).
Hay trong năm 2025, Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc trung ương đầu tiên của Việt Nam. Trong đó, di sản ẩm thực lâu đời, vô cùng phong phú và đặc sắc, có đến 1.700 trong tổng số 3.000 món ăn ở Việt Nam được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn, từ món ăn cung đình đến dân gian - Huế đang chọn lĩnh vực ẩm thực để xúc tiến tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây được xem như một chiến lược quan trọng góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Còn tại các sân chơi trong nước, hướng đến phát triển và nâng tầm thị trường ẩm thực tại Việt Nam, có giải thưởng Top 25 nhà hàng cao cấp tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Robb Report tổ chức hay Flavors Vietnam của Vietcetera nhằm vinh danh những cống hiến và thành tựu của ngành F&B (kinh doan dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng, khách sạn, khu du lịch) Việt trên con đường ghi dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới. Tất cả góp phần tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành chú trọng đầu tư hơn vào chất lượng dịch vụ và sáng tạo ẩm thực.
Để có được những thành tựu trên, ẩm thực Việt cùng với những con người tâm huyết đã mang vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng và vô cùng đa dạng của mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S, nơi dấu ấn của sản vật bản địa giàu tính tự nhiên, thổ nhưỡng và theo mùa kết hợp cùng cách nấu nướng của người địa phương dù mộc mạc hay cầu kỳ, luôn tạo nên những hương vị tinh tế; góp phần giới thiệu và quảng bá nét đẹp của văn hóa địa phương qua ẩm thực từ khắp các vùng miền đất Việt.
Trong năm 2024, Nhà hàng Mặn Mòi tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số những nhà hàng định vị bản sắc khi đã thực hiện hơn 10 sự kiện ẩm thực "Hương vị quê nhà", khôi phục và giới thiệu gần 100 món ăn được tinh tuyển công phu từ đặc sản mọi miền Tổ quốc để giới thiệu đến thực khách và du khách.
Hay Nén Light- nhà hàng fine-dining (hình thức dùng bữa tại nhà hàng cao cấp) Việt Nam khai thác nguyên liệu, sản vật địa phương cùng sự hiếu khách của con người Việt Nam theo phong cách hiện đại và sáng tạo. Các thực đơn thử món (tasting menu) của nhà hàng thay đổi theo mùa và được phát triển dưới hình thức "Story Menu"- mỗi thực đơn là một câu chuyện về văn hóa Việt Nam được kể qua trải nghiệm ẩm thực.
Trong khi đó, khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phú Quốc lại tôn vinh nông sản bản địa và sự phát triển bền vững của môi trường nơi đảo Ngọc bằng sự kết hợp tinh tế các đặc sản Phú Quốc như cá trích, nhum, tiêu, mật ong và rau củ quả hữu cơ cùng sự sáng tạo của các đầu bếp tài năng làm nên những mỹ vị mang trải nghiệm đẳng cấp xứng tầm đến cho du khách.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, trên thế giới, ở nhiều quốc gia, việc nghiên cứu và phát triển nông sản, đặc sản địa phương rất được chú trọng. Ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa được đầu tư đúng tầm. Đơn cử như tại Hum (một nhà hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh), ta có thể nhìn thấy tâm huyết và đam mê của họ hướng đến việc phát triển nông sản Việt một cách bền vững. Một món ăn thông thường có hai tiêu chuẩn: sự an toàn và chất lượng hương vị, thì ở Hum còn có thêm một yếu tố nữa, là tính thiên nhiên rất cao. Rau, củ, quả, hạt, gia vị của đất Việt mình vô cùng phong phú, theo vùng miền và theo mùa. Hum hiểu và trân quý đặc điểm này, để làm nền tảng mà sáng tạo nên ẩm thực Việt Nam mang bản sắc riêng. Tất cả được biến tấu công phu đem lại một hành trình trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho thực khách Việt Nam lẫn quốc tế.
Nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải nhận định, ẩm thực Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn để trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng, từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, đến các đầu bếp và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, để quảng bá ẩm thực Việt hiệu quả, cần xác định rõ nét những đặc trưng riêng biệt của ẩm thực Việt, như sự đa dạng, tươi ngon, giàu dinh dưỡng, gắn liền với văn hóa và tinh thần cộng đồng. Đồng thời, xây dựng những câu chuyện đằng sau mỗi món ăn, mỗi nguyên liệu để tạo sự tò mò và hứng thú cho thực khách quốc tế.
Thêm vào đó, cần đa dạng hóa sản phẩm ẩm thực, bắt kịp theo xu hướng toàn cầu. Ẩm thực Việt Nam giờ đây không chỉ dừng lại ở những món ăn truyền thống mà còn được các đầu bếp thế hệ trẻ tiếp nối không ngừng, sáng tạo và kết hợp với các yếu tố hiện đại để tạo ra những món ăn mới lạ, hấp dẫn. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, cụ thể là các tour ẩm thực, lớp học nấu ăn, các festival ẩm thực cả trong và ngoài nước…
Có thể nói, sức cuốn hút của một điểm đến du lịch không thể thiếu sự góp mặt quan trọng của ẩm thực. Nhưng để ẩm thực Việt có thể chinh phục khẩu vị của thực khách muôn phương chắc chắn cần một chiến lược đầu tư đúng hướng và mạnh mẽ để đủ "quyến rũ" và giữ chân du khách mỗi lần ghé đến.
Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển của ngành ẩm thực, cần tạo ra những cuộc thi ẩm thực, nơi các đầu bếp có cơ hội giới thiệu tinh hoa của ẩm thực Việt, đồng thời học hỏi, sáng tạo và trau dồi kinh nghiệm để Việt Nam sớm có một thế hệ các đầu bếp tài năng, giàu tâm huyết, góp phần cho ẩm thực Việt vươn xa.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-viet-nam-tro-thanh-bep-an-cua-the-gioi-20250126094122114.htm