Để vụ đông xuân thắng lợi

Thời điểm này, nông dân ở TX. Phong Điền đang tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2024-2025. Để thực hiện thắng lợi vụ mùa này, bà con đã tuân thủ các quy định theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp như gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu...

 Nông dân các địa phương tập trung làm đất, tu sửa bờ ruộng để xuống giống vụ đông xuân

Nông dân các địa phương tập trung làm đất, tu sửa bờ ruộng để xuống giống vụ đông xuân

Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay, TX. Phong Điền gieo cấy 4.950ha lúa, trong đó, diện tích sản xuất lúa theo quy trình VietGAP khoảng 200ha, diện tích sản xuất lúa hữu cơ 15ha. Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, TX. Phong Điền đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các mô hình/kế hoạch và hình thức gieo cấy lúa, mang lại hiệu quả trong năm 2024. Thời điểm này, các xã, phường đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, làm đất, khẩn trương xuống giống lúa, đảm bảo kịp thời vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Thế (thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn) cho hay, gia đình ông đã hoàn tất khâu làm đất để xuống giống lúa cho 2ha ruộng. Ngay từ đầu tháng 12, ông đã ra đồng tu sửa bờ ruộng, chuẩn bị sẵn máy làm đất và đầy đủ các loại vật tư, giống lúa... để gieo cấy toàn bộ diện tích của gia đình đúng khung lịch thời vụ.

Hiện, người dân ở xã Phong Sơn đang tích cực làm đất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xuống giống trà đầu kết thúc vào ngày 20/1, với diện tích khoảng 40ha, tập trung chủ yếu ở các cánh đồng Tân Quang, Bù… với cơ cấu giống lúa, như: Khang dân, HT1, HN6, HG244... Theo lãnh đạo xã Phong Sơn, ngoài việc gieo sạ trà đầu tập trung ở HTX Nông nghiệp Nam Sơn, số diện tích còn lại ở địa phương sẽ tiếp tục gieo cấy hoàn tất trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để đảm bảo theo đúng khung lịch thời vụ.

Tại xã Phong Chương, vụ đông xuân này toàn xã sẽ xuống giống 881ha lúa. Đến nay, bà con đã triển khai làm đất trên 600ha và đã tiến hành gieo cấy hơn 50ha. Cơ cấu giống lúa chủ lực gồm Khang dân, HN6, HT1…

 Nhiều diện tích trồng lúa vụ đông xuân ở Phong Điền đã xong khâu làm đất, bắt đầu gieo cấy

Nhiều diện tích trồng lúa vụ đông xuân ở Phong Điền đã xong khâu làm đất, bắt đầu gieo cấy

Bà Trần Thị Thu Huyền, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, trên cơ sở dự báo thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, có thể xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa, nên UBND xã đã chỉ đạo các HTX huy động nông dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, diệt chuột... Do địa bàn Phong Chương nằm ở vùng trũng nên theo kinh nghiệm các ban, ngành, đơn vị, địa phương thường chú trọng đến khâu vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu hợp lý để tiêu thoát nước nhanh chóng, hiệu quả; tổ chức làm đất, gieo sạ đảm bảo tiến độ theo lịch thời vụ mà cấp trên đề ra.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền, ông Hồ Đôn cho biết, để có vụ mùa thắng lợi, Phong Điền đã bố trí khung lịch phù hợp nhằm đảm bảo cây lúa vụ đông xuân trổ tập trung từ ngày 10 đến 20/4 và kết thúc thu hoạch trước ngày 20/5. Về cơ cấu giống, nhóm trung ngày: X21, Xi23... chiếm khoảng 5% diện tích; nhóm giống ngắn ngày: Khang dân, ĐT100 (KH1), HN6, HT1, J02, DT39, HG12, TH5, PC6... chiếm khoảng 95% diện tích. Tuy nhiên, lưu ý các giống lúa bố trí sản xuất đại trà phải thuộc danh mục loại giống được công nhận lưu hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), được Sở NN& PTNT định hướng sản xuất. Ngoài ra, địa phương khuyến khích đưa một số giống lúa đã được công nhận chính thức, có tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm như: VNR20, TBR225, Hà Phát, DB6, TBR97 vào gieo cấy để từng bước đa dạng hóa bộ giống của thị xã. Bên cạnh đó, tiếp tục sản xuất thử giống có triển vọng như HG244…

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT TX. Phong Điền chia sẻ, ngoài việc chủ động vật tư, giống, thời điểm này, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đồng thời, đảm bảo có cách ly về thời gian giữa các vụ lúa ít nhất 3-4 tuần nhằm hạn chế ảnh hưởng bởi ngộ độc hữu cơ và ngăn chặn sự lưu tồn và lây lan của dịch bệnh.

Ngành nông nghiệp địa phương cũng khuyến khích bà con nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, canh tác bền vững, thông minh, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối. Song song, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành các công trình, đê bao thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc các nguồn vốn đầu tư, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại hệ thống đê bao, thủy lợi, nhanh chóng tu sửa những nơi xung yếu, xuống cấp và có phương án tham mưu điều tiết cấp, thoát nước phù hợp cho sản xuất. Đặc biệt, khi có dấu hiệu dịch bệnh xảy ra, phải nhanh chóng kiểm tra, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khắc phục để không làm ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của người dân…

Đến thời điểm hiện tại, Phong Điền đã làm đất được 3.382ha và tiến hành gieo cấy hơn 220ha lúa. Toàn diện tích đưa vào gieo cấy 4.950ha trong vụ đông xuân này sẽ phấn đấu hoàn thành trước ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn.

Bài, ảnh: Minh Trường

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/de-vu-dong-xuan-thang-loi-150119.html