Để vụ khó có thành công

Dù giá bán vẫn chưa như mong đợi nhưng xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi so với những tháng đầu năm. Do đó, vấn đề hiện nay không chỉ là làm sao ổn định được tâm lý của người nuôi, mà còn cần có những giải pháp nuôi thích ứng tốt với điều kiện bất lợi về thời tiết và thị trường để giúp người nuôi an tâm tiếp tục thả nuôi, tránh tình trạng treo ao như thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2023, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng diện tích và sản lượng tôm nước lợ vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 656.000ha, tăng 6,4% và sản lượng đạt khoảng 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường giảm vì ảnh hưởng lạm phát nên kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 1,56 tỷ USD, giảm 31% so cùng kỳ. Điều này đã khiến cho giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm từ tháng 4 đến nay, nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ phải giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, các hợp đồng cung ứng tôm mà doanh nghiệp đã ký kết từ nay đến cuối năm cũng dồi dào hơn dù giá bán chưa được cải thiện nhiều, nên nguy cơ thiếu hụt tôm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 vẫn có thể xảy ra.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp phát sinh, đảm bảo vụ nuôi thành công. Ảnh: TÍCH CHU

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp phát sinh, đảm bảo vụ nuôi thành công. Ảnh: TÍCH CHU

Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng lợi nhuận cho vụ nuôi. Riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cần duy trì và phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú qua các mô hình nuôi: nuôi tôm sinh thái, tôm lúa, tôm rừng, tôm quảng canh cải tiến… kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý.

Thực tế cho thấy, mức lợi nhuận của người nuôi tôm đã giảm đi đáng kể, phổ biến khoảng 20 - 25%, thậm chí có hộ chỉ đạt 10 - 15% lợi nhuận. Đây chính là lý do khiến những hộ nuôi mô hình cấp thấp, ao đất không dám thả nuôi vì tỷ lệ rủi ro cao hơn. Chưa hết khó về thị trường, vụ tôm tiếp tục gặp khó về môi trường, dịch bệnh khi vùng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang vào cao điểm mùa mưa, độ mặn giảm nhanh, môi trường biến động mạnh làm giảm sức đề kháng tôm nuôi. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông Ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên) cho biết: "Độ mặn trên hệ thống kênh cấp giờ không còn, nguồn nước trữ trong ao cũng chỉ dao động vài phần ngàn, nên muốn thả nuôi cũng khó. Kết quả quan trắc môi trường ngày 10, 11/7 của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho thấy, chỉ còn 2 điểm độ mặn 6 - 8‰, có thể lấy nước vào xử lý nuôi tôm. Hơn nữa, biến động môi trường cao, rủi ro tôm nuôi dễ mắc các bệnh về môi trường, bệnh do vi khuẩn, vi rút… Hay nói cách khác, việc thả tôm ở thời điểm hiện tại lẫn chăm sóc tôm sẽ vất vả hơn nhiều so với những tháng đầu năm, dù giá tôm đến lúc tiêu thụ được dự báo sẽ khả quan hơn.

Do đó, để giúp người nuôi tôm yên tâm thả nuôi, chi cục thủy sản các tỉnh đều đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm nên chọn mô hình và mật độ nuôi hợp lý để đảm bảo mục tiêu đầu tiên là nuôi tôm thành công, đạt năng suất, chất lượng, giá thành phù hợp trước khi nghĩ đến giá bán lúc thu hoạch. Theo đó, trong điều kiện giá tôm thấp và giá cả vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay, người nuôi nên thả tôm mật độ thưa (nhất là các hộ nuôi ao đất có điều kiện công trình chưa đảm bảo và nguồn vốn ít) để tôm mau về size lớn, nhẹ chi phí đầu tư, nâng cao sức tải của môi trường ao nuôi và giảm rủi ro về dịch bệnh, đồng thời áp dụng các biện pháp để giảm tối đa chi phí sản xuất để có hiệu quả về kinh tế.

Bên cạnh việc chọn mua con giống tốt có uy tín, một trong những vấn đề không kém quan trọng là người nuôi nên bố trí thêm ao ương tôm giai đoạn đầu, duy trì mực nước ao nuôi ổn định, chủ động đo đạc môi trường, hạn chế tôm nuôi bị sốc môi trường dẫn đến phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi. Đối với các ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, đặc biệt là các ao nuôi tôm lót bạt, ứng dụng công nghệ cao và nuôi nhiều giai đoạn, ngoài việc tuân thủ các quy định trên cần nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ môi trường trong và ngoài vùng nuôi. Cần bố trí diện tích chứa chất thải ít nhất 10% diện tích nuôi theo quy định để xử lý chất thải, tuyệt đối không xi-phông hay xả thải chất thải khi chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường, bồi lắng kênh, rạch và lây lan mầm bệnh cho vùng nuôi.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/de-vu-kho-co-thanh-cong-66453.html