Để vững bước trên 'con đường cao tốc hướng Tây' phải thay đổi tư duy

Để doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội từ EVFTA, chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách cả ở cấp trung ương và địa phương. Đó là, phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo.

Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở các điểm cầu, cùng lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU. Ảnh: TL

Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở các điểm cầu, cùng lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU. Ảnh: TL

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA”, diễn ra ngày 6/8.

"Bài toán hóc búa" vẫn còn đó

Đánh giá, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Công thương, cơ hội luôn đi kèm thách thức.

"EVFTA là cơ hội rất lớn nếu chúng ta biết khai thác một cách hiệu quả nhưng cùng với đó là không ít thách thức, nhất là khi chúng ta đón nhận hiệp định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn khá hạn chế" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, mặc dù trong thời gian chúng ta đã làm khá mạnh, quyết liệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA. Song, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng đến nay một số doanh nghiệp và người dân chưa hiểu hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là sản xuất vừa và nhỏ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa biết, chưa hiểu rõ về các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là về EVFTA. "Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và trong đó cần nhấn mạnh những yêu cầu khắt khe của EU, để doanh nghiệp ý thức tự nâng cao năng lực, thực sự tận dụng cơ hội từ thị trường tiềm năng này" - ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, đến nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh đã được bàn đến nhiều năm nay và không phải là vấn đề mới nhưng đến nay vẫn là bài toán hóc búa, chưa có lời giải hiệu quả. Từ vấn đề phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nền công nghiệp phụ trợ phát triển để giải tỏa những nút ghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, tận dung ưu đãi thuế quan từ các FTA; cho đến nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa...

Ngoài ra, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp rất cơ bản và mạnh mẽ để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh như logistics, viễn thông, giao thông… vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, chúng ta cần phải nhanh chóng có những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực để giúp các ngành sản xuất có đủ năng lực để vừa vươn ra biển lớn, vừa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, đứng vững trên sân nhà. "Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương càng ban hành sớm các giải pháp, chính sách với những hoạt động hết sức cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệp định sẽ thực sự đi vào cuộc sống càng nhanh và hiệu quả" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách cả ở cấp trung ương và địa phương. Đó là, phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn.

Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA tới các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ. Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này theo hướng đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt cần xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kiến thức sâu về các FTA và EVFTA, từ đó quán triệt và thống nhất cao về nhận thức trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết của Hiệp định.

Bên cạnh đó, để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà hiệp định mang lại, cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biêt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút ghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Có thể thấy, EVFTA có cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không. Do đó, cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng mặt khác cũng cần có những giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép.

Mặt khác, chúng ta cần quán triệt nhận thức Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu.

"Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-06/de-vung-buoc-tren-con-duong-cao-toc-huong-tay-phai-thay-doi-tu-duy-90576.aspx