Để vùng hoa Mê Linh lại khoe sắc sau những ngày cách ly

Sau gần một tháng cách ly, nghề trồng hoa - hoạt động kinh tế chủ đạo của người dân thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh nói riêng và huyện Mê Linh (Hà Nội) nói chung chịu nhiều thiệt hại. Cùng với việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, mong muốn lớn nhất của người trồng hoa Mê Linh là chợ hoa sôi động trở lại, thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm tái sản xuất.

Khôi phục nghề trồng hoa của xã Mê Linh (huyện Mê Linh) được coi là nhiệm vụ cấp bách của địa phương lúc này.

Khôi phục sản xuất

Mấy ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng hay chiều muộn có dông lốc, gần chục ngàn người trồng hoa xã Mê Linh vẫn tất bật từ sáng sớm tới tối muộn để chăm sóc hoa. Ông Ngô Văn Chung ở thôn Hạ Lôi vừa tranh thủ tưới vườn hồng vừa chia sẻ: "Kế hoạch trước mắt của gia đình tôi là phục hồi số hoa hồng trồng trong chậu vì thời gian qua, do phòng, chống dịch, không chăm sóc được nên hoa xuống sắc. Ngoài ra, đối với 3 sào cúc bị tàn, gia đình cũng đã cắt bỏ, chuẩn bị xuống giống lứa hoa mới. Việc này phải thực hiện ngay để sau hơn một tháng nữa có thu nhập, không thể bỏ ruộng hoang thêm ngày nào nữa", ông Chung nói.

Tương tự, anh Nguyễn Quang Mạnh, người dân xóm Chợ, thôn Hạ Lôi cho hay, ngoài sản xuất hoa tại địa phương, gia đình anh còn thuê 1,5 mẫu ruộng ở xã Thanh Lâm để trồng hoa.

"Mọi thứ phải đầu tư lại, từ cọc sắt, điện chiếu sáng, cây giống... bởi trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, toàn bộ diện tích trồng cúc của gia đình đã bị kẻ gian nhổ trộm cọc sắt (trị giá khoảng 30 triệu đồng). Ngay sau khi kết thúc cách ly, gia đình đã nhanh chóng bắt tay vào việc khôi phục sản xuất. Rồi khó khăn sẽ qua, giờ chỉ mong lứa hoa cúc mới xuống giống sẽ phát triển tốt và vụ hoa tới sẽ được mùa để bù lại những thiệt hại từ đầu năm tới nay" - anh Mạnh chia sẻ.

Là người gắn bó với công việc trồng hoa cùng bà con, ông Bùi Mạnh Tiến, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh cho biết, vùng hoa Mê Linh chủ yếu là hoa hồng cắt cành, hiện có tới 80% diện tích hoa hồng cắt cành bị quá lứa. Hoa hồng là cây nhiều vụ, còn gốc tức là còn vốn để làm. Do đó, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn bà con cắt tỉa cành, bón phân cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình: Phun phát mầm, kích thích, trừ nấm, trừ sâu hoặc nhện...

"Bên cạnh diện tích hoa hồng cần chăm sóc "đặc biệt" để vực dậy sau thời gian không được chăm sóc thì đối với diện tích hoa cúc, người dân Hạ Lôi cũng đang tất bật dọn đồng ruộng để bắt tay vào vụ mới. Song, chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân không nên nóng vội xuống giống ngay mà cần thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, trồng lại cần chọn loại giống bảo đảm chất lượng" - ông Tiến nhấn mạnh.

Niềm vui của cả người trồng và người kinh doanh hoa tại chợ là hoa của Mê Linh được đi muôn nơi.

Để hoa Mê Linh lại đi muôn nơi

Theo ông Nguyễn Nhân Thành - Trưởng ban Công tác mặt trận xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, đi đôi với vực dậy sản xuất, thì việc tìm đầu ra của sản phẩm trong thời gian tới cũng là bài toán quan trọng không kém đối với người trồng hoa Mê Linh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động giao thương của địa phương có phần đình trệ, nhất là chợ hoa.

"Đến nay, sức khỏe và đời sống của người dân trên địa bàn và những người kinh doanh tại chợ hoa đều bình thường. Chúng tôi vẫn nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng, bảo đảm giãn cách... Mong bà con tiểu thương yên tâm tới trao đổi hàng hóa để chợ hoa trở lại rộn ràng như trước khi có dịch", ông Thành nói.

Còn anh Phùng Văn Hải - một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ hoa Mê Linh chia sẻ: "Công việc thường ngày của chúng tôi là chăm sóc hoa, tận tâm, tỉ mỉ như người nuôi con nhỏ, chỉ mong hoa luôn tươi thắm, ngát hương để hài lòng khách hàng. Niềm vui của cả người trồng và người kinh doanh hoa tại chợ là hoa của Mê Linh được đi muôn nơi. Song, thời điểm này, dù chợ hoa đã dần trở lại bình thường thì lượng khách tới giao dịch chỉ đạt khoảng 70% so với cách đây một tháng. Hy vọng, công tác truyền thông sẽ là cầu nối hiệu quả để mọi người hiểu đúng về tình hình dịch bệnh địa phương không còn nguy hiểm, cho chợ hoa sôi động trở lại..."

Theo Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái, trên địa bàn có 242ha trồng hoa, riêng thôn Hạ Lôi chiếm tới 210ha với các loại hoa chủ lực: Hoa hồng và hoa cúc các loại... Ðể mở rộng vùng trồng hoa, người dân thôn Hạ Lôi còn đi thuê đất ở các xã bên cạnh (khoảng 90ha). Cán bộ và nhân dân địa phương xác định việc khôi phục nghề trồng hoa - lĩnh vực kinh tế mũi nhọn - nét văn hóa đặc sắc của Mê Linh là nhiệm vụ cấp bách lúc này. Sau thời gian dài ngưng trệ, bà con đang hối hả trở lại lao động, sản xuất, kinh doanh. Địa phương cùng các đơn vị chức năng đang tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt như an ninh trật tự, vốn, kỹ thuật... để nhân dân yên tâm sản xuất song song với việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ và thành phố.

Một vấn đề rất quan trọng với bà con vùng hoa Mê Linh lúc này chính là vốn. Theo ông Quang Mạnh Hà - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mê Linh, những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mê Linh luôn song hành với bà con trồng hoa của địa phương. Trước mắt, đơn vị sẽ giải ngân nhanh chóng 23 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nông dân tái sản xuất sau dịch bệnh (của thành phố)...

Một số hình ảnh người dân khôi phục vùng hoa Mê Linh sau cách ly phòng dịch Covid-19:

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/967141/de-vung-hoa-me-linh-lai-khoe-sac-sau-nhung-ngay-cach-ly