Để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Các chuyên gia tài chính - đầu tư cho rằng, để triển khai xây dựng trung tâm tài chính quy mô lớn, TP.HCM sẽ phải giải quyết được hàng loạt các khó khăn thách thức...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Nhiều tiềm năng và thách thức

“Mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được địa phương ấp ủ cách đây gần 20 năm. Diễn đàn hôm nay sẽ là sự kiện quan trọng, tạo cơ hội để TP.HCM lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các bộ, ngành, chuyên gia tài chính – đầu tư trong và ngoài nước nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra”, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế với chủ đề “Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” tổ chức ngày 18/10.

Là đơn vị tư vấn cho UBND TP.HCM trong Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM là địa phương có vị thế kinh tế khá nổi trội trong nước và khu vực ASEAN.

Theo đó, thành phố hiện xếp thứ 55 thế giới về tiềm năng thu hút thương mại; số DN đang hoạt động tại địa bàn chiếm gần 52% số DN cả nước; dư nợ tín dụng chiếm khoảng 28,1% tổng dư nợ toàn quốc; quy mô vốn hóa của thị trường đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng, dù chưa lớn so với khu vực nhưng cũng đã đóng góp khoảng 94% cho tổng vốn hóa thị trường chứng khoán của cả nước; tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 36.500 tỷ đồng; lượng kiều hối chảy về TP.HCM mỗi năm chiếm khoảng 65% tổng kiều hối của Việt Nam…

Đồng tình quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính cho rằng, TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển trở thành trung tâm tài chính lớn ở khu vực. Bởi tốc độ phát triển kinh tế của địa phương đang cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều thành phố tại ASEAN. Trong khi dư địa phát triển thị trường chúng khoán - ngân hàng, tài chính công nghệ còn rất lớn. Ngoài ra, TP.HCM nằm trong vùng tâm của ASEAN, có múi giờ thuận lợi để kết nối với các thị trường lớn là Mỹ và châu Âu...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại các chuyên gia tài chính - đầu tư cho rằng, để triển khai xây dựng trung tâm tài chính quy mô lớn, TP.HCM sẽ phải giải quyết được hàng loạt các khó khăn thách thức. Theo đó, tỷ lệ ngân sách được giữ lại để phát triển kinh tế địa phương đang ngày một giảm, cần phải được tính toán lại để tăng động lực cho mảng đầu tư công. Vị thế của TP.HCM trong tổng thể hệ thống tài chính quốc gia cũng cần được định hình đúng để có những giải pháp mang tính đặc thù, đột phá…

Lộ trình ba giai đoạn

Theo phân tích của TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình để TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực có thể chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến 2025, chính quyền TP.HCM và các bộ, ngành cần tập trung hình thành cơ chế vận hành trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, phát triển mạnh cả hạ tầng đô thị và viễn thông. Từ năm 2026-2035, tiếp tục hoàn thiện 3 yếu tố: thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị. Từ sau 2035 thì có thể tập trung hướng tới thị trường tài chính quốc tế và hội nhập toàn diện với thế giới.

Trong khi đó, đứng từ phía đầu tư vào công nghệ tài chính, TS. Trần Hùng Sơn, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, TP.HCM hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trung tâm fintech của khu vực ASEAN. Bởi lĩnh vực fintech tại TP.HCM hiện đang thu hút được cộng đồng khởi nghiệp rất sôi động và lôi cuốn được nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia bỏ vốn đầu tư.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế có ý nghĩa đặc biệt to lớn, là vấn đề mang tầm vóc chiến lược của quốc gia, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Về phía ngành Ngân hàng, NHNN cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi; phát triển khu vực ngân hàng giàu năng lực cạnh tranh, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Ngân hàng sẽ hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu của xã hội; hoàn thiện các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính… từ đó góp phần vào việc hỗ trợ TP.HCM vươn tầm trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực thụ.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng hiện nay cũng đã xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố chính cho việc phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với một số vị trí cốt lõi trong ngành Ngân hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. Qua đó hỗ trợ TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Cơ chế “xe đạp đôi” với trung tâm tài chính TP.HCM Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, TP.HCM hiện nay là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Việt Nam, là nơi đi đầu trong công nghệ, cải cách hành chính và giáo dục. Do đó, để phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ địa phương xây dựng thành công để án lớn này. Phó Thủ tướng ví von việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính TP.HCM giống như đi xe đạp đôi: TP.HCM ngồi phía trước, phía sau có sự chung sức của các bộ ngành, các tỉnh thành thúc đẩy tiến về phía trước. Do đó, cơ hội và thuận lợi là điều có thể nhìn nhận rõ ràng và hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng mang lại những thay đổi đột biến trong các năm tới. “Xây dựng TP.HCM làm trung tâm tài chính khu vực là nhiệm vụ chung của cả nước. TP.HCM cần chuẩn bị đầy đủ đề án xây dựng trung tâm trình Chính phủ, để sang năm Chính phủ có thể trình Quốc hội ra một số cơ chế đặc thù để thành phố có thể triển khai từng bước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ nay đến tháng 6/2020, TP.HCM sẽ xem xét và lồng ghép vào các chính sách tài chính toàn diện để báo cáo Chính phủ. Hiện TP.HCM cũng đang quan tâm chú ý đào tạo nguồn nhân lực ở 7 lĩnh vực, mỗi năm có 150.000 sinh viên mới ra trường, trong đó có tài chính - ngân hàng. Thành phố cũng tính toán đến chính sách khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính; đồng thời sẽ phải có hệ thống băng tần viễn thông tốt, phát triển trí tuệ nhân tạo; kết nối giao thông phải tốt nên TP.HCM đã quy hoạch 8 tàu điện ngầm; sân bay đang nâng cấp và phối hợp với sân bay Long Thành; TP.HCM cũng có nhiều bến cảng… Đây là tiền đề để có thể phát triển thành phố.

Đình Hải - Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-xay-dung-tphcm-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-93636.html