Đề xuất 3 giải pháp khi đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuê đất
Theo TS. Đoàn Trung Kiên, Luật Đất đai năm 2013 quá trình thực hiện đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện.
Cần nhìn thẳng vào hạn chế để khắc phục
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã đưa ra những góp ý thẳng thắn về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong bài tham luận TS. Đoàn Trung Kiên nói: “Giao đất, cho thuê đất là một trong những hoạt động giúp Nhà nước phân phối đất đai một cách hiệu quả. Các quy định về giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 bước đầu phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập và đang được tiếp tục hoàn thiện trong Dự thảo Luật đất đai 2013 sửa đổi”.
Cụ thể, TS. Đoàn Trung Kiên phân tích: “Quy định về giao đất, cho thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Điều 118 Dự thảo quy định về các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và Điều 119 Dự thảo quy định về các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, theo đó “đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp” thuộc đối tượng Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Khoản 1 Điều 118 Dự thảo).
Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp không thuộc đối tượng nào được quy định tại Điều 118 và Điều 119 Dự thảo, tức là sẽ thuộc đối tượng Nhà nước cho thuê đất, bởi theo Khoản 1 Điều 120 Dự thảo: “Nhà nước cho thuê đất đối với các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Luật này”.
Theo đó, khi cho thuê đất, Nhà nước sẽ thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm. Quy định này về cơ bản là kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 theo đó, Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp “tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp” (điểm e khoản 1 Điều 56).
Cụ thể hóa quy định này, Nghị định 146/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp: “Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp” (điểm i khoản 1 Điều 2).
TS. Đoàn Trung Kiên phân tích thêm: “Căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 13704/BTC-QLCS ngày 01/12/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai việc cho thuê đất, chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất và thu tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thì phải chuyển sang thuê đất từ ngày 101/7/2014 và nộp tiền thuê đất”.
“Do đó, các bệnh viện công lập hay các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính trước kia được giao đất không thu tiền sử dụng đất, nay phải chuyển sang thuê đất và nộp tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Nếu các đối tượng này phải nộp tiền thuê đất thì số tiền thuê đất sẽ rất lớn, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung một nguồn thu dồi dào, ổn định”, TS. Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh.
Những thách thức đặt ra với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
Bên cạnh đó, trong bài tham luận, TS. Đoàn Trung Kiên cũng chỉ ra những thách thức đè nặng lên vai các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Bởi ở các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì nguồn thu chủ yếu vẫn là nguồn thu từ học phí của người học (như các nhà trường) hay nguồn thu viện phí của người khám chữa bệnh (như các bệnh viện).
Nay các nhà trường hay các bệnh viện phải nộp tiền thuê đất thì số tiền này, họ phải tính vào chi phí đào tạo, chi phí khám chữa bệnh và tất yếu phải đẩy mức học phí, viện phí lên cao để bù đắp.
“Khi học phí, viện phí đẩy lên cao thì nhiều người học sẽ không có khả năng chi trả học phí và mất đi cơ hội học tập, nhiều người bệnh không được cứu chữa kịp thời. Dẫn đến, người học, người khám chữa bệnh và cộng đồng xã hội sẽ phản ứng, an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng và tất yếu các hệ lụy xã hội sẽ nảy sinh mặt khác mức thu học phí hay viện phí ở nước ta hiện nay vẫn rất thấp”, TS. Đoàn Trung Kiên phân tích và dẫn chứng thêm: “Đơn cử như mức thu học của các nhà trường công lập vẫn đang bị khống chế bởi mức thu được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 và Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
Với các mức thu học phí theo các Nghị định này thì các nhà trường không thể có đủ nguồn để nộp tiền thuê đất. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, vấn đề tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính (mặc dù không chỉ bao gồm tự chủ tài chính), tuy nhiên chủ trương tự chủ đại học dường như vẫn chưa được hiểu đúng”.
Theo TS. Đoàn Trung Kiên Tự chủ đại học không phải là đưa các cơ sở giáo dục đại học công lập ra khỏi hệ thống các cơ quan nhà nước, để cắt bỏ hết các khoản hỗ trợ, đầu tư… mà ngược lại trong bối cảnh tự chủ các cơ sở giáo dục đại học vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư từ Nhà nước, trong đó có hỗ trợ tiền sử dụng đất để phát triển, để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các cơ sở này sớm trở thành các trường trọng điểm, đủ sức cạnh tranh và tiệm cận chất lượng với các trường trong khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Nhà nước vẫn phải thông qua các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ để tiếp tục chi phối, để tác động điều hành các chính sách vĩ mô, bình ổn giá và kiểm soát chế lạm phát như cách mà Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.
Như vậy, có thể thấy nếu chúng ta đồng nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính giống với các đơn vị kinh tế tư nhân (trường học, bệnh viện tư nhân) để áp dụng các cơ chế giao đất, cho thuê đất như hiện nay thì rất khó khả thi trên thực tế.
Ba giải pháp đề xuất đối khi đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuê đất
Trong bài tham luận, TS. Đoàn Trung Kiên đề xuất ba giải pháp đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi:
Một: Mở rộng đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, theo đó không chỉ “đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp” được hưởng cơ chế này như Khoản 1 Điều 118 Dự thảo đang quy định “mà cả đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính”
Hai: Mở rộng đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với “các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính hoạt động trong lĩnh vực y tế và giáo dục” được hưởng cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất như giai đoạn trước kia.
Ba: Nếu không mở rộng đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất, khi các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp phải thuê đất như Dự thảo đang quy định thì cần bổ sung quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp được miễn tiền thuê đất”.
“Cuối cùng, tôi mong rằng, Dự thảo sẽ nhanh chóng được hoàn thiện và trở thành nền tảng pháp lý quan trọng, có hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh, quốc phòng, đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao Việt Nam như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra”, TS. Đoàn Trung Kiên nói.