Đề xuất 3 tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù
Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Quyết định về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Ủy ban Dân tộc đề xuất 3 tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Cụ thể, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù là dân tộc đáp ứng một trong ba tiêu chí sau:
Một là, có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều trên 50%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ≥ 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của 53 dân tộc thiểu số.
Hai là, có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều dưới 50% và đáp ứng tối thiểu 3 trong 5 điều kiện sau:
1- Tỷ lệ chung về trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ cao đẳng trở lên) ≤ 30% so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
2- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ≤ 30% so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
3- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng Việt ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
4- Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
5- Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số.
Ba là, các dân tộc có dân số dưới 10.000 người và đáp ứng tối thiểu 3 trong 5 điều kiện sau:
1- Tỷ lệ chung về trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ cao đẳng trở lên) ≤ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
2- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ≤ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
3- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng Việt ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
4- Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số;
5- Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số.
Ủy ban Dân tộc cho biết, tình trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số đang là một thách thức rất lớn.
Các dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo của cả nước và có xu hướng tăng lên hàng năm: Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo các dân tộc thiểu số chiếm 42,25% tổng số hộ nghèo cả nước, cao gấp 5,58 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước (9,88%); năm 2016 là 48,23%, cao gấp 5,86 lần bình quân chung cả nước (8,23%); năm 2017 là 52,66%, cao gấp 7,86 lần bình quân chung cả nước (6,7%); năm 2018 là 55,27%, cao gấp 10,57 lần bình quân chung cả nước (5,23%) và năm 2019 là 58,53%, cao gấp 15,61 lần bình quân chung cả nước (3,75%).
Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 35,5%, giảm 1,2% so với năm 2015 (36,7%) nhưng cao gấp 4,3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (8,2%). Tỷ lệ hộ nghèo chung của các dân tộc thiểu số năm 2015 chiếm 23,1%, cao gấp 2,3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước (9,88%), nhưng đến năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo chung của các dân tộc thiểu số (22,3%) cao gấp 5,95 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước (3,75%).
Đặc biệt theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 hiện có 24 dân tộc tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%, trong đó có 22 dân tộc tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số (≥ 33.45%) và 15 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của các dân tộc thiểu số (≥ 44,6%).
Bên cạnh đó, trình độ giáo dục cao nhất đạt được ở một số dân tộc ở mức rất thấp và tỷ lệ người dân tộc thiểu số không đọc thông, viết thạo tiếng Việt còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước; tỷ suất chết thô (CDR) và tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) của một số dân tộc thiểu số còn ở mức cao; nhà ở, điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn...
Để giải quyết những khó khăn cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số, tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa 14 (Quyết định 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020); Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 02/10/2020 giao Ủy ban Dân tộc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí trong Quý IV năm 2020 làm cơ sở để xác định đối tượng thụ hưởng thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện từ năm 2021.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.