Đề xuất 5 phương án xử lý bất cập tại trạm T2 Cần Thơ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra năm phương án xử lý bất cập trạm T2 (Cần Thơ) trên quốc lộ 91.
Ngày 5-10, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận vừa có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo các phương án xử lý bất cập tại trạm T2 (Cần Thơ) trên quốc lộ (QL) 91.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ đưa ra năm phương án xử lý. Phương án 1, không thu phí trạm T2 đến khi tuyến tránh TP Long Xuyên đi vào hoạt động.
Phương án này có ưu điểm giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải An Giang và các chủ phương tiện lưu thông theo hướng đi từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại.
Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, việc này không lường trước được các rủi ro vì phải phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành dự án tuyến tránh TP Long Xuyên…
Phương án 2, giữ nguyên trạm thu phí T2 và tiếp tục thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Đường bộ, nhược điểm của phương án là chưa xử lý triệt để bất cập đối với trạm thu phí T2.
Phương án 3, di dời trạm thu phí T2 về phía TP Cần Thơ qua ngã ba Lộ Tẻ (giao QL80 với QL91) tại vị trí khoảng Km 49+100 QL91. Phương án này sẽ giải quyết căn bản các kiến nghị. Tuy nhiên, phải di dời một số hộ dân để xây trạm, đồng thời tạo dư luận không tốt, tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tình hình chung của các dự án BOT trong cả nước.
Bên cạnh đó, phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trạm tại vị trí mới khoảng 38 tỉ đồng, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và kéo dài thời gian hoàn vốn. Việc giải phóng mặt bằng, xây dựng trạm thu phí mất thời gian khoảng từ hơn một năm. Đặc biệt, nếu sau này tuyến tránh Long Xuyên đưa vào khai thác (năm 2022), xe hướng QL80 có thể không đi qua trạm, gây lãng phí.
Phương án 4, giữ nguyên trạm thu phí T2 và bổ sung cổng kiểm soát tại vị trí Km 49+100. Phương án này sẽ giải quyết căn bản các kiến nghị. Tuy nhiên, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án bị kéo dài do bổ sung chi phí đầu tư tại cổng kiểm soát.
Doanh thu thu phí thấp làm ảnh hưởng đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng, nhà đầu tư có nguy cơ bị chuyển thành nhóm nợ xấu. Phương án tài chính bị phá vỡ, dự án không khả thi.
Phương án 5, không thu phí trạm thu phí T2 và Nhà nước hỗ trợ khoảng 850 tỉ đồng. Với phương án này, Tổng cục Đường bộ cho rằng sẽ giải quyết được các kiến nghị. Tuy nhiên, Nhà nước phải bố trí ngân sách để hỗ trợ cho dự án. Hiện nay chưa có dự án nào được thực hiện theo hình thức này.
Với các phân tích trên và để giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chủ trì làm việc với các ngân hàng (nhà đầu tư vay) để điều chỉnh lại cơ cấu trả nợ gốc và giữ nguyên nhóm nợ cho nhà đầu tư.
Khi đó dự án chỉ tổ chức thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí T1 (Km 16+905), đến khi dự án tuyến tránh TP Long Xuyên hoàn thành đưa vào sử dụng, các phương tiện qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm thu phí T2. Lúc đó sẽ tổ chức thu phí tại trạm thu phí T2 để hoàn vốn cho dự án.
“Đồng thời, Bộ GTVT cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến tránh TP Long Xuyên để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác…” - Tổng cục Đường bộ nêu quan điểm.
Được biết sắp tới Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan về dự án, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ phương án xử lý bất cập tại trạm T2.
Trước đó, ngày 19-5, cầu Vàm Cống vượt sông Hậu chính thức khánh thành, khu vực trạm thu phí BOT T2 trên QL91 (thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bắt đầu xuất hiện một số tài xế dừng xe phản đối, không đồng ý mua vé qua trạm và muốn đi tính phí theo kilomet.
Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu dừng thu phí và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các bên liên quan để đưa ra các phương án.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/de-xuat-5-phuong-an-xu-ly-bat-cap-tai-tram-t2-can-tho-862249.html