Đề xuất áp dụng thi trắc nghiệm với môn Ngữ Văn
Theo các chuyên gia, hình thức thi tự luận thì việc chấm thi sẽ mang tính cảm tính nên có chuyện nương tay khi chấm mà điểm môn Ngữ Văn của tỉnh An Giang là một ví dụ.
Hiện nay, thi tốt nghiệp THPT đang áp dụng hình thức thi tự luận đối với môn Ngữ Văn.
Tuy nhiên, hình thức thi này đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế trong đó có việc chấm lỏng tay dẫn đến việc điểm số môn Ngữ Văn thiếu khách quan.
Một trong những biểu hiện của hạn chế thi tự luận đối với môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 đó là điểm thi môn học này của tỉnh An Giang cao đột biến đến mức khó hiểu.
Kết quả thi các thí sinh của tỉnh An Giang chiếm áp đảo số lượng các bài thi có điểm trên 9, điểm 9,5 và một trong hai trường hợp của cả nước có điểm 10 môn Ngữ Văn.
Năm nay, điểm thi môn Ngữ Văn cao hơn các năm (ảnh Trinh Phúc).
Giải thích về điểm thi môn Ngữ Văn tại tỉnh An Giang, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận ông Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng môn thi Ngữ Văn là môn thi tự luận nên việc chấm Văn nặng về cảm tính.
Nhìn vào phổ điểm môn Ngữ Văn của các thí sinh tỉnh An Giang có thể nói là chấm lỏng tay. Môn thi Ngữ Văn mặc dù có barem hướng dẫn chấm nhưng sai số vẫn lớn. Với tư tưởng chấm lỏng tay có thể tăng điểm lên hàng loạt.
Đây là điểm hạn chế của việc thi tự luận. Vì thế, nếu môn Ngữ Văn vẫn thi theo cách đó thì không thể tránh khỏi những chuyện chấm thi lỏng tay. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hạn chế của thi theo hình thức tự luận là như vậy.
Trước việc dư luận cho rằng cần xem lại cách chấm điểm môn Ngữ Văn của tỉnh An Giang, ông Lê Viết Khuyến cho rằng cần xét theo mức độ. Tuy nhiên, để khắc phục việc chấm lỏng tay cần thiết phải chấn chỉnh công tác chấm thi.
Ngoài ra cần áp dụng thi trắc nghiệm đối với một phần bài thi Ngữ Văn, điều này sẽ đảm bảo được khách quan. Nhiều nước người ta đã áp dụng thi Ngữ Văn bằng thi trắc nghiệm.
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về thi trắc nghiệm và tự luận, nhưng chắc chắn thi trắc nghiệm sẽ khách quan hơn. Điều đó sẽ đánh giá một cách công bằng đối với thí sinh trong thi cử.
Trước đó, Báo Nhà báo & Công luận từng đưa tin, năm nay tỉnh An Giang có điểm trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông Ngữ Văn cao nhất cả nước (7,682 điểm), cao hơn mức trung bình cả nước 1 điểm.
Dư luận rất bất ngờ khi thống kê cho thấy số điểm cao của An Giang so với chính mình và cả nước “đột biến” đến không ngờ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Theo ông Dong, trong tình hình thực tế, An Giang không phải là tỉnh có truyền thống học giỏi hơn các tỉnh khác. Chất lượng học sinh các môn nói chung xưa nay bình thường.
Chất lượng giáo dục không cao hơn Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Do đó, điểm thi cao như vậy, trước hết phải xem lại khâu chấm thi. “Barem Ngữ Văn như thế nào và An Giang đã thực hiện ra sao. Cần phải đánh giá lại bài như thế nào là tốt. Không thể chấm máy móc, văn không hay, chữ tốt mà vẫn điểm cao. Cần phải xem xét cách chấm, quy định hướng dẫn chấm thi.
Cần xem người chấm có đảm bảo đúng quy định không. Người vào điểm có để sai sót không. Đừng để xảy ra tình trạng lần đầu 0,5 điểm nhưng chấm phúc khảo lại đạt 9,5 điểm” – ông Dong nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, một khi có điểm bất thường rõ ràng phải giải thích được điểm bất thường này. Nếu không giải thích được, cứ thế công nhận thì sẽ sinh chuyện.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT xem lại cách chấm điểm thi môn Ngữ Văn tại An Giang. Làm thế nào chấm chính xác thì Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Còn nếu xem lại điểm mà vẫn giữ nguyên thì đành phải chịu và coi như đó là sự đột biến.
“Nhưng không thể nào một tỉnh điểm cao vọt lên như thế được” – ông Dong nhận định.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-ap-dung-thi-trac-nghiem-voi-mon-ngu-van-post94736.html