Đề xuất bán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là hơi cực đoan
Theo chuyên gia giáo dục, những thành tựu trong đào tạo của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được khẳng định, việc đề xuất bán cho tư nhân là hơi cực đoan.
Sáng 24/6, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho rằng, đề xuất bán, chuyển đổi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho tư nhân là hơi cực đoan.
GS Thuyết phân tích, cả chặng đường từ khi hình thành đến nay, mái trường này đã đào tạo thành công nhiều nhân tài, phục vụ cho lợi ích của quốc gia. Mặc dù, trên con đường hình thành và phát triển của bất cứ cơ sở giáo dục nào đều khó tránh lúc này lúc khác, cũng có thể có giai đoạn “vấp váp”, nhưng không thể vì điều đó mà lập tức nghĩ tới ngay việc bán hoặc chuyển đổi.
Thứ nữa, trong tình huống nhà nước không thể chu cấp hay đầu tư ngân sách để duy trì, phát triển thì mới xem xét đến góc độ bán hay không. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nếu ai đó nói trường chuyên, lớp chọn là định hướng đào tạo dễ đẫn đến “học lệch” hay thiếu đầy đủ thì cũng có lý lẽ riêng, bởi sẽ tạo ra các đỉnh cao cần thiết để phục vụ khoa học, phụng sự lợi ích vượt khỏi mong muốn một cá nhân nào đó.
“Có thể chuyển đổi mô hình trường chuyên thành trường chất lượng cao cũng là một hướng đi có thể xem xét, phục vụ đào tạo toàn diện” - ông Thuyết nêu giả định.
Liên quan đề xuất bán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện trường này đã có đủ cơ sở vật chất cùng đội ngũ chất lượng cao và đã có được lượng lớn khách hàng đủ tài chính để gửi gắm con vào đó học tập, do vậy, sẽ là lợi thế lớn nếu bán trường này cho tư nhân.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường tư chất lượng cao đã, đang dần khẳng định được vị thế, uy tín cũng như chất lượng đào tạo, do vậy, việc hướng xã hội hóa trường chuyên, lớp chọn cũng nên được các nhà hoạch định chính sách xem xét.
Trước đó, một chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã “gây sốc” khi nêu ý kiến cho rằng đã đến lúc chuyển đổi mô hình hoạt động, đào tạo của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Cụ thể, TS Thành đưa ra 4 lý do: Trước hết, mô hình trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. “Giả định bố mẹ các bạn học sinh nghèo lại học kém sẽ phải đóng thuế cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được coi là học giỏi hơn và đó cũng là một giả định. Như vậy, mô hình này chủ động tái tạo và mở rộng bất công xã hội. Những gia đình nhà giàu cho con vào học để sau này ngồi lên đầu các bạn nghèo và học kém hơn kia” - ông Thành nêu quan điểm.
Thứ hai, mô hình này sẽ chấp nhận được nếu nó là một trường tư, như trường Olympia, nơi cha mẹ giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn. Như mô hình trường chuyên Hà Nội - Amsterdam hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là lấy từ tiền của các bố mẹ khác. Vậy là không công bằng.
Thứ ba, việc bố mẹ phải “tác động” để con mình có bảng điểm không thể đẹp hơn, tức bảng điểm toàn điểm 10 hoặc làm cách nào đó để con mình đeo trên người đủ thứ giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu. Không loại trừ có tiêu cực khi học tại trường chuyên Hà Nội - Amsterdam để cho mẹ đạt được mục đích cho con.
Điều này cho thấy, việc lo cho con được học ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ giúp họ tiết kệm được một khoản chi phí đào tạo lớn hơn phần họ đã bỏ ra để nhờ vả. Việc này sẽ biến mất nếu thực hiện điều thứ hai ở trên.
Cuối cùng, mục đích của trường chuyên lớp chọn như trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đã hết vai trò lịch sử của nó. Trước đây, trong lúc chiến tranh nghèo khổ, trường chuyên được mở ra để chọn được những người trí tuệ để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Việc hình thành các trường chuyên đào tạo ra không ít gà nòi tham gia các cuộc thi trên thế giới, như kỳ thi Toán, Lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Những người này được kỳ vọng sẽ phục vụ đất nước vì đúng l à họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ và cũng mong muốn có nguồn tài trợ từ nước ngoài vào.
Trưa nay (24/6), trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Đức Thành cho biết đang tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những lập lập mới, đầy đủ và kín kẽ hơn về đề xuất đóng cửa hay bán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng như các trường chuyên khác.