Đề xuất bị sa thải, buộc thôi việc vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sáng 7/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.

Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Không có sự phân biệt về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp (Điều 32), có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp bị ảnh hưởng do sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính tại khoản 2.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật không có sự phân biệt về đối tượng, bất cứ đối tượng nào đủ điều kiện theo quy định đều được thụ hưởng chính sách, kể cả trường hợp bị ảnh hưởng do sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Ngoài ra, đối với trường hợp này, Chính phủ đã ban hành chính sách, chế độ riêng, quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội

Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 33), có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tự nguyện. Ông Vinh cho biết, nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp đang được thực hiện tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là “mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động”, vì vậy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những đối tượng lao động có quan hệ lao động và có hưởng tiền lương. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 40), điểm a, điểm b khoản 1 của dự thảo Luật quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định 2 trường hợp này không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Việc làm năm 2013. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nhưng tuân thủ các quy định của pháp luật thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo UBTVQH, quy định này nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Bỏ quy định người lao động bị sa thải, buộc thôi việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 40 quy định về người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng là chưa phù hợp với Bộ luật Lao động vì Bộ luật Lao động chỉ quy định 2 loại hợp đồng lao động.

Tại Điều 40 quy định về điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có điều kiện là người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

UBTVQH nhận thấy, để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động chỉ thực hiện những công việc mùa vụ, thời hạn hợp đồng ngắn (thời hạn dưới 12 tháng), thì họ chỉ cần đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nội dung này được kế thừa từ quy định hiện hành nhằm duy trì quyền lợi tốt hơn cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp không liên tục, vì vậy không mâu thuẫn với quy định về loại hợp đồng lao động tại Điều 20 của Bộ luật Lao động.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định người lao động mà bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Vinh cho biết UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật để giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu (bao gồm đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu) là không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, người lao động vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 40. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-xuat-bi-sa-thai-buoc-thoi-viec-van-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-41243.html