Đề xuất bỏ 30 phút nghỉ ngơi của lao động nữ trong ngày 'đèn đỏ': Thiệt thòi với chị em
Đó là ý kiến của nhiều lao động nữ khi nhắc đến đề xuất bỏ 30 phút nghỉ ngơi trong ngày đèn đỏ mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội doanh nghiệp để góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tại buổi làm việc này, khi bàn về quy định lao động nữ được nghỉ ngơi 30 phút trong thời gian hành kinh, đại diện VCCI đề nghị bỏ hoặc sửa đổi thành lao động nữ trong độ tuổi còn hành kinh được hỗ trợ bằng tiền do Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ này.
Phản hồi về ý kiến này, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho rằng, các quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có Bộ luật Lao động đến nay, trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi của người lao động và bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với lao động nữ.
Trong Bộ luật Lao động 1994 và 2012 đều quy định rất rõ về việc lao động nữ được nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh. Cụ thể, tại Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ ít nhất mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ ngơi mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Chính vì thế, khi có đề xuất bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định này của VCCI đã khiến nhiều chị em băn khoăn, lo lắng. Chị Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, công nhân may tại KCN Sài Đồng, Hà Nội), cho rằng, trong thời gian hành kinh cơ thể phụ nữ thường rất uể oải, mệt mỏi. Vì vậy, được nghỉ ngơi một chút sẽ giúp chị em thoải mái về tinh thân, từ đó hiệu suất công việc có thể sẽ cao hơn khi phải làm liên tục trong trạng thái khó chịu trong người. “Xu hướng chung là ngày càng phải đảm bảo quyền lợi tốt hơn, chu đáo hơn cho phụ nữ, người yếu thế chứ ai lại “tước đoạt” đi cái một chút ưu tiên đó”, chị Anh nói.
Chị Lê Thị Tâm, đang công tác tại một công ty ở quận Cầu Giấy cho rằng, dù trong thực tế không phải chị em nào cũng sử dụng cái quyền nghỉ ngơi 30 phút trong những ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, quy định này vẫn là một sự ưu tiên, thể hiện sự quan tâm đối với lao động nữ. Vì thế, chị em cũng thấy được an ủi, được chia sẻ và có động lực hơn trong làm việc. Bãi bỏ quy định này sẽ khiến không ít lao động nữ bị hụt hẫng.
Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt dễ bực bội, cáu gắt, vấn đề sức khỏe và chất lượng công việc cũng không được đảm bảo.
Bà Hoa phân tích: “Nhiều chị em phụ nữ còn bị đau bụng, đau lưng, đôi khi là nhức đầu, buồn nôn. Việc đó có thể gây ảnh hưởng rất nhiều tới công việc. Tuy nhiên, các chị em lại có tâm lý ngại, không chịu nói ra với sếp hoặc các đồng nghiệp nam, đặc biệt là đối với người còn độc thân. Vì vậy cần phải tạo một môi trường làm việc thoải mái và thấu hiểu hơn để người lao động nữ không thấy ngại khi chia sẻ về những điều tế nhị nhưng lại có ảnh hưởng đến công việc chung”.