Đề xuất bỏ bằng lái B1, B2, lái xe ôtô có cần thi lại bằng không?
Theo đề xuất mới nhất của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bằng lái các hạng B1, B2 và một số hạng khác sẽ không còn tồn tại nữa.
Cụ thể, theo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ thì việc phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có những thay đổi so với quy định cũ. Một số hạng GPLX như quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành có thể sẽ không còn tồn tại như các hạng: A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC.
Theo đó, theo Điều 39 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ, GPLX hạng B được cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
Như vậy, GPLX hạng B1, B2 không còn tồn tại theo dự thảo Luật TTATGT đường bộ. Cùng với đó, một số hạng khác với lái xe ô tô như E, FB2, FC, FD, FE cũng không còn tồn tại. Với đề xuất này, nhiều người cũng thắc mắc các lái xe ô tô đã có GPLX hạng B1, B2 và một số hạng khác như này rồi thì có cần thi lại bằng hay không.
Điều 62 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ có quy định chuyển tiếp. Cụ thể, GPLX hạng B có thể đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1, B2. Hạng D2 đổi, cấp lại cho GPLX hạng D. Hạng D đổi, cấp lại cho hạng E; Hạng BE đổi, cấp lại cho hạng FB2; Hạng CE đổi, cấp lại cho hạng FC; Hạng D2E đổi, cấp lại cho hạng FD; Hạng DE đổi, cấp lại cho hạng FE.
Hiện tại các quy định trên vẫn đang trong quá trình đề xuất, lấy ý kiến đóng góp. Quy định chính thức như thế nào sẽ phải đợi tới khi Luật TTATGT đường bộ được phê duyệt và thông qua chính thức vào năm 2024.