Đề xuất Bộ Chính trị ban hành định hướng chiến lược mới cho dầu khí
Theo Trưởng Ban Kinh tế TW, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, cần thiết phải có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị để định hướng chiến lược phát triển cho ngành dầu khí.
Ngày 31/3, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì buổi làm việc.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Phạm Văn Thanh; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị Ban Kinh tế Trung ương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng dự.
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việc bảo đảm nhu cầu về năng lượng, trong đó có dầu khí để duy trì tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành dầu khí.
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
Các văn bản này đã xác định rõ vai trò quan trọng, chủ đạo của Petrolimex trong việc bảo đảm cung ứng ổn định nguồn xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân, tập trung trong ba lĩnh vực chính, đó là: chế biến dầu khí; tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí và dịch vụ dầu khí.
Qua 8 năm triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW, đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều xu thế mới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích điều kiện thực tiễn, một số thuận lợi, cơ hội, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trình Bộ Chính trị trong quý 2/2023.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ về tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong giai đoạn kể từ khi ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW đến nay.
Trong số đó, tập trung phân tích về hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các đề xuất, kiến nghị liên quan đến chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là về điều hành giá xăng dầu, thủ tục đầu tư, phát triển kinh doanh, công tác dự trữ xăng dầu quốc gia, cân đối ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, công tác quản lý thị trường xăng dầu, việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống kho-cảng.
Bên cạnh đó, làm rõ về thực hiện cơ cấu lại tập đoàn gắn với lộ trình thoái vốn và cổ phần hóa, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với nguồn lực thực hiện; làm rõ kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phát triển khoa học-công nghệ của tập đoàn; những kết quả đạt được thời gian qua và những định hướng lớn trong quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược gắn với chuỗi sản xuất-chế biến-phân phối sản phẩm mới, sản phẩm dầu khí sạch phù hợp với xu thế sử dụng năng lượng hiện nay trên thế giới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Phạm Văn Thanh cho biết từ năm 2015, Đảng ủy Tập đoàn đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết, triển khai chương trình hành động đến các cấp ủy trực thuộc.
Quá trình tổ chức thực hiện đều gắn chặt công tác xây dựng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển của Tập đoàn trong từng giai đoạn.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 75%, là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần khoảng 45% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước.
Từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh, Petrolimex luôn là doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nhất chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung ứng xăng dầu để đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước và cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Petrolimex tập trung thực hiện phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa.
Trong định hướng chiến lược của mình, tập đoàn đang hướng tới là tập đoàn số 1 tại Việt Nam về kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030; giữ vững vị thế là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, lợi nhuận hàng năm chưa đạt được mức mong muốn, thậm chí có năm lợi nhuận kinh doanh xăng dầu âm (do ảnh hưởng của COVID-19), dẫn đến không chủ động nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh.
Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tính đột phá để xử lý căn cơ một số vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu.
Cơ chế, chính sách về thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, nhất là đối với các dự án có vốn nhà nước, dẫn đến mất lợi thế khi huy động nguồn đầu tư nước ngoài, chưa có chính sách để giá cả thực sự được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường. Vấn đề dự trữ dầu thô, xăng dầu còn nhiều bất cập.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, trao đổi về tình hình hoạt động, vai trò chủ đạo của Tập đoàn trong thị trường xăng dầu; cơ chế, chính sách để tăng cường thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước vào phát triển ngành dầu khí; làm rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của thực trạng, đề xuất một số giải pháp trọng tâm liên quan.
Nhiều ý kiến đồng tình cao với việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới cho phát triển ngành dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh giao Tổ Biên tập xây dựng đề án nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan chắt lọc ý kiến, lựa chọn các nội dung phù hợp để đưa vào đề án; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời để tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, sản phẩm hóa dầu.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ đồng tình với kiến nghị của tập đoàn về định hướng để tạo thuận lợi cho các tập đoàn thuộc lĩnh vực dầu khí, trong đó có Petrolimex tham gia lĩnh vực nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
Đề xuất này phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, cần thiết phải có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị để định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí, trong đó có định hướng chiến lược mới cho phát triển Petrolimex.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng với những kết quả đạt được, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, cùng với những định hướng chiến lược mới và sự đồng hành của các bộ, ngành, Petrolimex sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới./.