Đề xuất bỏ quy định về phương thức đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng
Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, trong đó đáng chú ý là các quy định về việc chuyển đổi Phòng Công chứng (PCC) thành Văn phòng công chứng (VPCC).
Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng năm 2014. Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 09 năm triển khai thực hiện Nghị định này, 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển đổi 16 PCC thành VPCC; 11 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương giải thể 12 PCC do không chuyển đổi được sang VPCC hoặc theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay trong cả nước có 10 địa phương đã hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể toàn bộ các PCC; các VPCC được thành lập từ việc chuyển đổi PCC đều hoạt động ổn định, hiệu quả, cơ bản giữ nguyên đội ngũ Công chứng viên (CCV) và nhân viên nghiệp vụ nòng cốt của các PCC cũ.
Về phía các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV, với quy định cụ thể của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, từ con số chỉ có 07 Hội công chứng viên được thành lập tính đến trước ngày 01/5/2015 (thời điểm Nghị định số 29/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì đến nay toàn bộ 63/63 địa phương trong cả nước thành lập được Hội công chứng viên, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam cũng được thành lập vào năm 2019 và tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II vào năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nghị định số 29/2015/NĐ-CP cũng bộc lộ nhiều điểm tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, quy định về chuyển đối PCC thành VPCC còn chưa phù hợp, mang tính định tính chung chung nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình chuyển đổi dẫn đến kết quả chuyển đổi tại nhiều địa phương còn hạn chế. Tại các địa phương đã chuyển đổi PCC thì cách thức thực hiện cũng rất khác nhau, có địa phương thì thực hiện đúng yêu cầu không chuyển đổi được thì mới giải thể PCC, có địa phương thì lại tiến hành giải thể ngay mà không đặt vấn đề chuyển đổi PCC...
Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ là phải ban hành một Nghị định mới để vừa khắc phục những điểm hạn chế, bất cập của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, vừa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ mới được Luật Công chứng năm 2024 giao cho Chính phủ.
Dự thảo Nghị định gồm có 07 Chương và 69 Điều. Đáng chú ý, việc chuyển đổi PCC thành VPCC đã được quy định tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và đã được triển khai thực hiện trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về vấn đề này còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp về xác định giá quyền nhận chuyển đổi PCC (quy định giá quyền nhận chuyển đổi được xác định trên cơ đánh giá về tổ chức và hoạt động, uy tín của PCC dự kiến chuyển đổi, số lượng hợp đồng, giao dịch đã công chứng của PCC trong 03 năm gần nhất), phương thức chuyển đổi PCC (đặt vấn đề đấu giá quyền nhận chuyển đổi).... Để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi PCC, dự thảo Nghị định dự kiến kế thừa quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về việc chuyển giao quyền nhận chuyển đổi PCC cho chính các CCV của PCC; bỏ quy định về phương thức đấu giá quyền nhận chuyển đổi PCC và quy định về xác định giá quyền nhận chuyển đổi PCC.
Về quyền lợi của CCV, viên chức khác, người lao động của PCC được chuyển đổi và việc xử lý tài sản của PCC được chuyển đổi, dự thảo Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định pháp luật có liên quan, như pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật lao động, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.
Về quy định về lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi PCC, giải thể các PCC: Đây là vấn đề mới được Luật Công chứng năm 2024 giao Chính phủ quy định. Việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi PCC thành VPCC là cần thiết, tất yếu và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu các văn bản của Trung ương. Tuy nhiên,theo Bộ Tư pháp để có thể hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể 108 PCC hiện có thì sẽ có hàng loạt vấn đề cần giải quyết liên quan đến xử lý tài sản nhà nước, giải quyết chế độ chính sách cho viên chức, người lao động, việc thống kê, bàn giao lượng lớn hồ sơ công chứng.... Do vậy, dự thảo Nghị định quy định việc chuyển đổi PCC được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các PCC chậm nhất là ngày 31/12/2030. Như vậy, các địa phương sẽ có khoảng thời gian tối đa là 5 năm 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ này.