Đề xuất bổ sung quy định các tổ chức thanh tra quốc phòng

Tại dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng, Bộ Quốc phòng đang đề xuất bổ sung quy định các tổ chức thanh tra gồm: Thanh tra quân đoàn, Thanh tra Cảnh sát biển Việt Nam, Thanh tra Bộ Tư lệnh 86, Thanh tra Cục Tài chính; đưa Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào nhóm Thanh tra quốc phòng Quân khu...

Bộ Quốc phòng cho biết, tổng kết 09 năm thực hiện Nghị định số 33/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng chỉ rõ, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã nhanh chóng quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; củng cố tổ chức, xây dựng cơ quan thanh tra các cấp và cán bộ ngành Thanh tra quốc phòng cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng; toàn Ngành bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt cũng như thanh tra đột xuất theo yêu cầu. Do vậy, chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quân sự, quốc phòng; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm; tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khắc phục những sơ hở trong thể chế, chính sách hiện hành và nhiều nội dung quan trọng khác. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng sức mạnh chiến đấu của Quân đội và nền quốc phòng toàn dân; đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng trong Quân đội.

Ngày 14/12/2022, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra năm 2010, trong đó quy định "Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Chính phủ quy định". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng.

Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 33/2014/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải khắc phục.

Do vậy, Bộ Quốc phòng đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng, thay thế Nghị định số 33/2014/NĐ-CP, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo đồng bộ với Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quân đội

Dự thảo nêu rõ, Thanh tra quốc phòng có trách nhiệm thực hiện và giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Các nội dung hoạt động của Thanh tra quốc phòng gồm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn, kế hoạch nhà nước về quốc phòng; các quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy định quản lý trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật nhà nước, chấp hành nhiệm vụ, quyền hạn, mệnh lệnh, chỉ thị, quyết định của người chỉ huy đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền người chỉ huy cùng cấp...

Về tổ chức Thanh tra quốc phòng, các nội dung tại Điều 9 dự thảo cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 33/2014/NĐ-CP, bên cạnh đó có một số sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn hiện nay.

Bổ sung quy định một số tổ chức thanh tra

Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định các tổ chức thanh tra gồm: Thanh tra quân đoàn, Thanh tra Cảnh sát biển Việt Nam, Thanh tra Bộ Tư lệnh 86, Thanh tra Cục Tài chính.

Về lý do bổ sung, Bộ Quốc phòng cho biết, theo tổ chức biên chế mới của Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 12 và Quân đoàn 34 được thành lập trên cơ sở giải thể Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4; đòi hỏi việc thành lập tổ chức thanh tra ở các đơn vị này để tham mưu cho Tư lệnh quân đoàn về việc thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh 86 đã thành lập tổ chức thanh tra và đang hoạt động hiệu quả, nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 33/2024/NĐ-CP.

Theo quy định hiện hành, một trong các nhiệm vụ chủ yếu của công tác tài chính quân đội là "Tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tài chính đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng". Thực tế những năm qua, Thanh tra Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng đã hoạt động hết sức hiệu quả trong việc tham mưu với Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, tài sản công trong Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thanh tra Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng cũng chưa được quy định trong tổ chức Thanh tra quốc phòng trong Nghị định số 33/2014/ND-CP.

Theo Bộ Quốc phòng, việc quy định về tổ chức thanh tra của các đơn vị trên là hết sức cần thiết, phù hợp với các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đưa Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào nhóm Thanh tra quốc phòng Quân khu

Bộ Quốc phòng đề xuất đưa Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào nhóm Thanh tra quốc phòng Quân khu.

Theo Bộ Quốc phòng, Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt trong cả nước, dân số đông, tập trung nhiều đơn vị Quân đội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, có địa bàn hoạt động rộng, quân số đông, vũ khí trang bị lớn. Do đó, nhiệm vụ Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng, chống tham nhũng hết sức nặng nề. Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được biên chế 05 cán bộ, gồm: 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh Thanh tra và 03 Thanh tra viên; thực tế, Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thường xuyên phải tăng cường thêm 02 đến 03 Thanh tra viên mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; về biên chế và nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tương đương với Thanh tra các quân khu.

Định nghĩa rõ các cơ quan thanh tra tương đương thanh tra binh chủng, binh đoàn

Bên cạnh đó, dự thảo định nghĩa rõ các cơ quan thanh tra tương đương thanh tra binh chủng, binh đoàn gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; các học viện, nhà trường trực thuộc Bộ; Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga.

Quy định này nhằm làm rõ hơn cụm từ "tương đương" tại điểm h khoản 1 Điều 9 Nghị định số 33/2014/NĐ-CP, xác định rõ tính pháp lý trong quá trình hoạt động nghiệp vụ thanh tra của thanh tra các cơ quan, đơn vị này.

Quy định rõ thanh tra quốc phòng cấp tỉnh

Dự thảo cũng quy định rõ thanh tra quốc phòng cấp tỉnh gồm: Thanh tra quốc phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là các cơ quan thanh tra cấp 3 trong hệ thống Thanh tra quốc phòng, là cơ quan thanh tra cấp dưới và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Thanh tra quốc phòng quân khu, Thanh tra quốc phòng Bộ đội Biên phòng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-cac-to-chuc-thanh-tra-quoc-phong-102241007163752348.htm