Đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư số 164 của Bộ Quốc phòng, Quyết định số 294 của Tổng cục Chính trị
Ngày 20-9, Đoàn công tác Ban soạn thảo Thông tư của Bộ Quốc phòng, Quy chế của Tổng cục Chính trị tiến hành khảo sát đối với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Trường Sĩ quan Chính trị về kết quả thực hiện Thông tư số 164/2018/TT-BQP ngày 1-12-2018 của Bộ Quốc phòng, Quyết định số 294/QĐ-CT ngày 3-3-2014 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thông qua khảo sát, đoàn công tác nắm tình hình, kết quả hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội, thực hiện Quy chế bình chọn Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân; lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, làm cơ sở nghiên cứu xây dựng nội dung thông tư và quyết định mới phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Thực hiện Thông tư số 164, trong 5 năm qua, tuổi trẻ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tham gia và đảm nhận 7.702 đề tài, sáng kiến, làm lợi gần 50 tỷ đồng; có 198 đề tài, sáng kiến tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội (tăng 43% so với 5 năm trước) và 105 công trình, sáng kiến đoạt Giải thưởng TTST trong Quân đội (tăng 30% so với 5 năm trước). Cùng với đó, 3 công trình thanh niên được bình chọn Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc, 4 công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Hội đồng Giải thưởng TTST trong Quân đội tặng bằng khen cho tuổi trẻ Tổng cục vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên nghiên cứu khoa học - công nghệ 20 năm, giai đoạn 2000-2020.
Từ năm 2014 đến nay, Tổng cục có 5 đồng chí đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, 3 đồng chí đạt danh hiệu Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân.
Từ năm 2018 đến nay, Trường Sĩ quan Chính trị có hơn 700 đề tài, sáng kiến tham gia Giải thưởng TTST cấp trường; 150 đề tài, sáng kiến được chọn gửi dự thi Giải thưởng TTST trong Quân đội và đoạt 2 giải Nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba, 24 giải Khuyến khích. Nhà trường tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cho 65 đồng chí; 5 đồng chí được bình chọn Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân.
Đóng góp ý kiến về việc thực hiện Thông tư số 164, cán bộ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị đề nghị giữ nguyên tuổi tác giả (không quá 40 tuổi) và thời gian trao giải 1 năm/lần.
Nêu kiến nghị với đoàn khảo sát, các ý kiến cho rằng, hiện nay theo Thông tư số 164, tỷ lệ giải Nhất và giải Nhì rất thấp, việc thu hẹp đối tượng chỉ tác giả đoạt giải Nhất, giải Nhì được thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn sẽ giảm sự khích lệ, động viên đối với lực lượng cán bộ trẻ; giảm động lực đóng góp của đoàn viên, thanh niên. Theo Thông tư số 164, tỷ lệ giải Nhất không quá 5%, giải Nhì không quá 10%, giải Ba không quá 15%; trung bình mỗi năm toàn quân có khoảng 500 đề tài, sáng kiến tham gia dự thi, số công trình đạt từ giải Ba trở lên khoảng 150 giải, tỷ lệ này là không cao.
Các ý kiến đề xuất mở rộng quyền lợi đối với tập thể tác giả đoạt giải Nhất, Nhì, Ba thay vì chỉ ưu tiên quyền lợi đối với chủ nhiệm công trình; đặc biệt là đối với nhóm tác giả đoạt giải Nhất. Đối với đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đoạt giải, đề nghị xem xét tuyển chọn vào đội ngũ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp. Tác giả có nhiều Giải thưởng TTST trong Quân đội trong niên hạn quân hàm được bảo lưu kết quả giải thưởng để nâng lương, thăng quân hàm trước niên hạn ở bậc quân hàm tiếp theo. Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công trình đoạt giải ứng dụng vào thực tiễn.
Đối với bình chọn Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, bổ sung thêm, cụ thể hóa tiêu chuẩn trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng để thuận lợi trong xem xét, bình chọn; cụ thể hóa chế độ chính sách với đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp đoạt giải. Đối với lao động hợp đồng đạt giải, được xem xét tuyển dụng chế độ công nhân viên chức quốc phòng và tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ...
Tin, ảnh: HỒNG THẠNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.