Đề xuất bổ sung tiêu chí điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, rút gọn bậc thuế, sửa đổi biểu thuế

Bà Vũ Thu Hà đề xuất bổ sung thêm các yếu tố như lương tối thiểu, mức sống từng vùng làm căn cứ xác định mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, đồng thời kiến nghị rút gọn bậc thuế và điều chỉnh lại biểu thuế lũy tiến để phù hợp với thực tế và đảm bảo công bằng cho người nộp thuế.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế TNCN sửa đổi theo hướng tổng thể, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Trong đó, hai nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân là mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần. Bà Vũ Thu Hà, Phó tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đã có chia sẻ với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp xung quanh 2 nội dung trên.

Đề xuất sửa GTGC theo lương tối thiểu, CPI và mức sống từng vùng

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) và biểu thuế lũy tiến đã không còn phù hợp với biến động thực tế thu nhập và chi phí sống. Bà nhìn nhận như thế nào về nhận định này?

Theo dữ liệu của cơ sở dữ liệu trực tuyến Numbeo (6/2025), chi phí sinh hoạt hàng tháng tại Hà Nội ước tính khoảng 12,6 triệu đồng/người độc thân và 43,9 triệu đồng/hộ gia đình 4 người (không kể tiền thuê nhà). Trong khi đó, tổng mức GTGC cho một gia đình 4 người chỉ 30,8 triệu đồng/tháng.

 Bà Vũ Thu Hà.

Bà Vũ Thu Hà.

Rõ ràng, mức giảm trừ hiện tại không còn phù hợp, đặc biệt tại các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt cao.

Mức GTGC hiện đang áp dụng chưa thay đổi từ năm 2020. Theo Luật thuế TNCN, khi CPI vượt 20% sẽ xem xét điều chỉnh GTGC, tuy nhiên CPI cộng dồn từ năm 2020 – 2025 có nhiều khả năng vẫn chưa vượt ngưỡng 20%. Chưa kể, mức tăng CPI 3% vào năm 2020 sẽ khác mức tăng 3% vào năm 2024 vì quy mô của nền kinh tế đã tăng lên rất nhiều.

Giá cả các hàng hóa thiết yếu thực tế trong đời sống hằng ngày của người dân đã tăng mạnh, vượt xa mức tăng chỉ số CPI được công bố. Do đó, việc điều chỉnh mức GTGC và biểu thuế lũy tiến là thực sự cần thiết.

Việc Chính phủ dự kiến trình sửa toàn diện Luật Thuế TNCN ngay tại Kỳ họp thứ 10 tới đây, sớm hơn đáng kể so với lộ trình trước đó, là một tín hiệu rất tích cực. Từ góc độ chuyên gia tư vấn thuế, tôi cho rằng động thái này thể hiện rõ sự chủ động lắng nghe và phản hồi kịp thời của Đảng và Chính phủ trước những thay đổi về thu nhập, chi phí sống và kỳ vọng của người dân sau hơn một thập kỷ áp dụng luật hiện hành.

Theo bà, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên theo hướng nào? Liệu Việt Nam có nên áp dụng cơ chế điều chỉnh tự động theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như một số quốc gia đã thực hiện?

Trong bối cảnh hiện nay, mức giảm trừ đã không còn phù hợp, đặc biệt tại các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt cao. Đồng thời, giá cả các hàng hóa thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người dân đã tăng mạnh, vượt xa mức tăng chỉ số CPI được công bố.

Để có góc nhìn khách quan hơn, ta có thể tham chiếu thực tiễn cơ chế GTGC của một số quốc gia trong khu vực như:

Giảm trừ cố định: Singapore, Thái Lan hiện áp dụng cơ chế cho trừ một khoản tuyệt đối khỏi thu nhập chịu thuế áp dụng cho mọi đối tượng, hoặc áp dụng mức giảm trừ khác nhau cho từng đối tượng người phụ thuộc dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, khả năng lao động, tình trạng sinh sống

Giảm trừ lũy tiến: Tại Nhật Bản, cơ quan thuế áp dụng hình thức giảm trừ lũy tiến tương ứng với từng bậc thuế suất lũy tiến.

Giảm trừ chi phí sinh hoạt thực tế: Các khoản chi phí sinh hoạt của người nộp thuế như chi phí khám sức khỏe, chi phí tiền học cho con hiện được các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan áp dụng.

Do đó, chúng tôi đề xuất một số phương án điều chỉnh mức GTGC như sau:

Đề xuất bổ sung thêm những yếu tố khác bên cạnh chỉ số CPI làm tiêu chí đánh giá định kỳ (1-2 năm/lần) cho mức GTGC, ví dụ như lương tối thiểu vùng, mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân theo khu vực, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm.

Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động bắt buộc phải trả cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng theo từng vùng địa lý cụ thể. Mức lương này thường được điều chỉnh hàng năm nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng có thể coi là một trong những căn cứ để điều chỉnh mức GTGC, tuy nhiên cần đồng thời tính toán tới các yếu tố quan trọng khác để xác định một mức GTGC phù hợp như nêu ở trên.

Ngoài ra, Luật BHXH số 41/2024/QH15 và Nghị định số 158/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật BHXH mới có hiệu lực từ 01/7/2025 có đề cập tới mức tham chiếu. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy, theo tôi, Luật thuế TNCN cũng nên xem xét mức tham chiếu tương tự để Chính phủ có thể quyết định và điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ.

Đề xuất thiết kế và mở rộng các hình thức GTGC đa dạng như: Cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế trên cơ sở thực tế phát sinh như chi phí khám sức khỏe và chi phí tiền học cho con. Áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác nhau dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập và địa bàn sinh sống.

Cả hai nhóm phương án trên có thể được cân nhắc đồng thời trong quá trình Chính phủ xây dựng mức sửa đổi GTGC để phù hợp với thực tiễn đời sống cũng như thông lệ quốc tế.

Giảm bậc thuế, điều chỉnh ngưỡng chịu thuế

Hiện nay, biểu thuế lũy tiến có 7 bậc và mức thuế suất khá cao. Nhiều ý kiến đề xuất cần rút gọn số bậc thuế. Quan điểm của bà về vấn đề này? Việc rút gọn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người nộp thuế, đặc biệt là nhóm thu nhập trung lưu?

Thực tế hiện tại, biểu thuế suất lũy tiến và mức thu nhập tính thuế từng bậc của Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia đánh thuế TNCN cao so với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, về thuế suất, hiện tại thuế suất tối đa của Việt Nam là 35% và tương đương với Thái Lan và Phillippines. Trong khi đó, mức thuế suất cao nhất của Singapore là 24%, và tại Malaysia, Myanmar là 30%.

Về thu nhập tính thuế, mức thu nhập tính thuế tại từng bậc thuế lại đang ở mức khá thấp so với khu vực.

Hệ thống bậc thuế lũy tiến và mức thu nhập chịu thuế tại Việt Nam được xây dựng từ năm 2007 (Luật 04/2007/QH12), đã đi vào áp dụng từ 01/01/2009 và không có thay đổi về mức thu nhập chịu thuế kể từ năm 2009 tới thời điểm hiện tại (tức là hơn 15 năm).

Với lộ trình dự thảo luật thuế TNCN sẽ được ban hành và áp dụng vào năm 2026 (tức là 17 năm kể từ khi Luật thuế TNCN 2007 ban hành), cộng với sự gia tăng trong mức thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân và các chỉ số giá tiêu dùng, có thể nhận thấy mức thu nhập chịu thuế đã lạc hậu, ít hỗ trợ cho lực lượng lao động. Thực tiễn cũng chỉ ra việc khó thu hút được nhân công chất lượng cao từ nước ngoài khi thuế suất vốn đã cao lại đang được áp cho các mức thu nhập chịu thuế khá thấp so với các nước trong khu vực.

Theo quan điểm của tôi, việc điều chỉnh biểu thuế lũy tiến và mức thu nhập chịu thuế là cần thiết, đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển nền kinh tế của quốc gia, đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho lực lượng lao động nội địa của quốc gia.

Việc rút gọn các bậc thuế, sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng thuế cho nhóm người nộp thuế thuộc các bậc thấp, đặc biệt là ở ba bậc đầu tiên – vốn chủ yếu là những cá nhân có thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

Đồng thời, biểu thuế cũng cần được thiết kế lại theo hướng điều chỉnh hợp lý mức chênh lệch giữa các ngưỡng chịu thuế và thuế suất để đảm bảo công bằng. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng “nhảy bậc” khi thu nhập chỉ tăng nhẹ nhưng người nộp thuế đã bị chuyển sang bậc thuế cao hơn với mức thuế suất chênh lệch lớn, gây ra sự bất hợp lý giữa những người có mức thu nhập gần nhau.

Việc rút gọn bậc thuế có thể thu hẹp khoảng cách nghĩa vụ thuế giữa các nhóm thu nhập. Theo bà, điều này có làm giảm vai trò điều tiết thu nhập của thuế TNCN hay không?

Như tôi đã đề cập, việc cải cách biểu thuế bao gồm rút gọn số bậc thuế và điều chỉnh lại khoảng cách giữa các mức thu nhập chịu thuế (nới rộng khoảng thu nhập chịu thuế trong mỗi bậc) cần được thực hiện một cách đồng bộ và có cân nhắc. Mục tiêu không phải là làm giảm vai trò điều tiết thu nhập của thuế TNCN, mà là làm cho hệ thống thuế trở nên công bằng, hợp lý và phù hợp hơn với cơ cấu thu nhập đa dạng của xã hội hiện nay.

Thực tế, nếu việc rút gọn bậc thuế được kết hợp với việc thiết kế lại ngưỡng thu nhập và thuế suất một cách khoa học, vẫn hoàn toàn có thể đảm bảo tính lũy tiến thực chất, phản ánh đúng khả năng chi trả của người nộp thuế.

Một hệ thống thuế TNCN được thiết kế hợp lý không chỉ góp phần điều tiết thu nhập, mà còn thúc đẩy tiêu dùng, củng cố niềm tin vào chính sách thuế và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như công bằng xã hội trong dài hạn.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Phương (thực hiện)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-bo-sung-tieu-chi-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-rut-gon-bac-thue-sua-doi-bieu-thue-d59747.html