Đề xuất Bộ Tài chính quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia
Bộ Công Thương đề xuất chuyển quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương đang quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng muốn chuyển nhiệm vụ này sang cho Bộ Tài chính quản lý để thống nhất đầu mối dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Đề xuất được Bộ Công Thương nêu tại báo cáo vừa gửi Chính phủ về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu .
Tại Việt Nam, dự trữ xăng dầu hiện có hai loại hình là dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu, nên Bộ Công Thương đề xuất chuyển mặt hàng này sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024-2025. Việc này nhằm thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.
Thực tế, việc dự trữ các mặt hàng nhiên liệu vẫn đang "hòa" cùng dự trữ tại 4 doanh nghiệp lớn, do quốc gia chưa có kho xăng dầu riêng. Bốn doanh nghiệp được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex. Đây là các đơn vị có kho chứa đảm bảo điều kiện, địa điểm kho phù hợp quy hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu theo vùng, khu vực; có năng lực, phương tiện để nhập - xuất và bảo quản hàng.
Trong nội dung đề xuất, Bộ Công Thương cũng nêu ra những khó khăn trong bảo quản, quản lý dự trữ xăng dầu như định mức chi phí bảo quản quá thấp, duy trì 20 năm qua chưa được thay đổi. Theo quy định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chi phí định mức hiện gần 14.900 đồng một m3, trong khi thực tế phải bỏ ra 70.000-150.000 đồng một m3 để bảo quản, tức gấp gần 5-10 lần.
"Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tồn tại xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn bảo quản chung với hàng kinh doanh, chưa được bảo quản riêng theo đúng luật", Bộ Công Thương nhận xét.
Khó khăn nữa, là Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các mặt hàng dự trữ - chưa ban hành quy chuẩn với hàng thuộc lĩnh vực dự trữ quốc gia. Do đó, định mức, tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia, xử lý hao hụt đang tạm áp dụng theo quy định của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần sớm thẩm định hồ sơ hạn mức chênh lệch kinh phí, tính khả thi khi chuyển chủng loại xăng (RON 92 sang RON 95) và dầu dự trữ (diesel 0,025S sang 0,05S) để làm cơ sở cấp bù chênh lệch cho các doanh nghiệp. Riêng việc chuyển dự trữ xăng RON 92 sang RON 95 cần xây dựng phương án chuyển đổi, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương nói đã hai lần đôn đốc Bộ Tài chính có ý kiến với các vấn đề trên, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính sớm có ý kiến về các kiến nghị của Bộ Công Thương. Lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở Bộ Tài chính "nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp tục chậm trễ trong việc tham gia các ý kiến theo nhiệm vụ được giao".
Trong thời gian chờ sửa luật, quy định liên quan, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì quản lý xăng dầu quốc gia như hiện nay, tức là vẫn bảo quản chung với xăng dầu dự trữ thương mại thông qua hợp đồng bảo quản với các doanh nghiệp. Việc luân phiên đổi hàng giao cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện theo chu kỳ kinh doanh. Mức phí thuê bảo quản được áp dụng theo định mức hiện hành.