Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến bảo hiểm y tế với một số bệnh hiểm nghèo

Sáng 25-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Giữ ổn định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Dự án Luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Dự án Luật sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho sở y tế xác định cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Dự án Luật điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ đầu năm (kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 90% lên 91%, chi phí quản lý tối đa giảm từ 5% còn 4%), tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.

Dự án Luật cũng bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cấp thẻ bảo hiểm y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát từng đối tượng mới được bổ sung vào dự thảo Luật để quy định cụ thể hơn việc lập danh sách để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, đề nghị có quy định nguyên tắc liên quan đến thẻ bảo hiểm y tế điện tử và việc cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử để phù hợp với thực tiễn.

Tiến tới thẻ bảo hiểm y tế điện tử “phi địa giới”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua tiếp xúc cử tri, cử tri có nhiều kiến nghị về chuyển bảo hiểm y tế và thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát, khắc phục vướng mắc về vấn đề này; đồng thời cần cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử, loại bỏ dần thẻ giấy.

“Người dân đăng ký ở bệnh viện huyện tại tỉnh này nhưng đang đi làm việc ở huyện tại tỉnh khác thì vẫn có thể vào thanh toán khám, chữa bệnh. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề thẻ bảo hiểm y tế điện tử thì rất tốt”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, người có thẻ bảo hiểm y tế cần được được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Trường hợp không cấp được, người dân phải đi mua thuốc ở ngoài mà thuốc nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế thì bảo hiểm phải trả tiền.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, phạm vi thụ hưởng bảo hiểm y tế cần mở rộng đến việc đánh giá nguy cơ giúp ngăn ngừa, điều trị từ sớm, từ xa, đáp ứng yêu cầu chăm sóc bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Do đó cần nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Đặc biệt có thể nghiên cứu, mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám, chẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là đúng đắn nhằm hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại.

Về chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là quy định nhân văn nhưng cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

“Bảo hiểm y tế có thể sử dụng trong toàn quốc; làm sao đến tỉnh nào, huyện nào thì người dân chỉ cần trình thẻ bảo hiểm y tế ra là có thể được khám bệnh, được thanh toán viện phí”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-bo-thu-tuc-chuyen-tuyen-bao-hiem-y-te-voi-mot-so-benh-hiem-ngheo-679236.html