Đề xuất bỏ tù 'ma men' lái xe, chia nhiều mức để phạt
Nhiều ý kiến đề xuất tăng nặng mức phạt, thậm chí bỏ tù lái xe uống rượu bia, kể cả khi chưa gây tai nạn.
Đồng thời, chia nhỏ các mức phạt để xử phạt công bằng.
Phần lớn TNGT liên quan rượu bia
Với việc ra quân xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng thời gian qua, tình trạng uống rượu bia lái xe đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, số vụ chống đối lực lượng chức năng để trốn kiểm tra nồng độ cồn vẫn còn phức tạp.
Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ CSGT, trong đó một số cán bộ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đến nay cơ bản người dân đã có ý thức uống rượu bia không lái xe, TNGT liên quan đến nồng độ cồn giảm sâu. Tuy nhiên, trước thực tế một bộ phận người dân vẫn cố tình vi phạm, cần tăng nặng mức xử phạt.
“Làm sao để tạo thành thói quen, trở thành ý thức thường nhật, chứ không phải chỉ chấp hành khi thấy lực lượng chức năng ra quân”, Thiếu tá Chinh nói và cho rằng, Bộ Y tế cũng nên có đánh giá tác động của rượu bia đối với tinh thần, khả năng làm chủ hành vi của con người ở từng mức độ khác nhau dựa trên chỉ số đo nồng độ cồn.
“Nồng độ cồn ở mức nào thì lái xe vẫn làm chủ, kiểm soát được hành vi, có thể chỉ phạt vi phạm hành chính; còn ở mức cao hơn phải thực hiện tước GPLX, song song với phạt hành chính. Thậm chí, nếu tài xế không làm chủ được hành vi, mất kiểm soát hoàn toàn, tái phạm nhiều lần phải phạt tù”, Thiếu tá Chinh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, TNGT liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ khoảng 36% số vụ, trong khi đó trên thế giới, tỷ lệ này chỉ 11 - 25%. Số liệu thống kê vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam của cơ quan chức năng chỉ chiếm 4 - 5%, trong khi theo nghiên cứu độc lập của WHO, tỷ lệ này chiếm đến gần 40%.
“Chúng ta mới chỉ xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao bằng cách tước bằng lái 2 năm, sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện”, TS. Huyền nói.
Đa dạng hình thức phạt
Cũng theo bà Huyền, cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, có thể quy định xử phạt với mức trên 0,4 miligam/lít khí thở, chia cụ thể thành từng khung như: 0,4 - 0,8 miligam/lít khí thở; 0,8 - 1,2 miligam/lít khí thở và trên 1,2 miligam/lít khí thở.
“Không để tình trạng người uống 1 cốc bia cùng mức phạt với người uống 10 cốc. Mức xử phạt cần đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất.
“
Ngoài đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân, phải kiểm soát cả việc uống. Chúng ta không cấm, nhưng nếu mọi người có thể uống bất cứ ở đâu, rượu bia bán ở mọi nơi thì rất khó để kiểm soát.
PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng
”
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, chế tài xử lý hiện chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
“Cần sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật GTĐB, kể cả buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông mà sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì tước vĩnh viễn”, luật sư Bình nhìn nhận.
Ông Bình cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, nếu vượt qua ngưỡng 240mg/100ml máu (gấp 3 lần mức 3 của Việt Nam hiện nay) là bị xử lý rất nặng về hình sự, đây là ngưỡng mà Việt Nam có thể tham khảo.
Đồng thời, cần tiếp tục có những mức phạt cao hơn, tương ứng với mức độ vi phạm. Ví dụ phạt 60 - 80 triệu đồng cho mức 80 - 180mg/100ml máu; 80 -100 triệu đồng cho mức từ 180 - 240mg/100ml máu.
“Hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải bị xử lý một cách kịp thời, thích đáng và phù hợp với mức độ nguy hiểm. Chúng ta cần ứng xử với những vi phạm đúng với bản chất nguy hiểm của nó trong xã hội», luật sư Bình nói.
Ngoài ra, ông Bình cho rằng, hiện theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, người phạm tội nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế, cần sửa đổi, xếp nhóm hành vi trên là lỗi cố ý gián tiếp, công dân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài trong Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quả tải trọng cho phép…
Hiện nay, theo quy định, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở) bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng.