Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2021, đại diện một số đơn vị, địa phương chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này trong thời gian tới. Báo Bắc Giang ghi lại một số ý kiến.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động:

Thành lập lực lượng tại chỗ, phòng ngừa ngay từ cơ sở

Do án ngữ của dãy Yên Tử, huyện Sơn Động thường chịu ảnh hưởng bởi các trận bão kèm theo mưa to kéo dài, gây lũ lớn trên các sông, suối. Ngay như trận mưa sáng 5/5, nước sông, suối dâng cao khiến một số thôn, xã trong huyện bị chia cắt. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, trên địa bàn thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống người dân. Để chủ động phòng, chống ngay từ cơ sở, kịp thời hỗ trợ người dân, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai, thành lập mô hình “Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã”.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.

Theo đó, mỗi xã bố trí 35-40 người (nòng cốt dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, công an) tham gia đội xung kích. Cùng với bảo quản vật tư, trang thiết bị dự trữ, các đội có nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân phòng chống thiên tai; tuần tra bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; tổ chức sơ tán, bảo vệ tài sản nhân dân; xử lý các tình huống để kịp thời ứng phó trước, trong và sau bão, lũ...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các đội xung kích, đề nghị UBND tỉnh xem xét phân bổ, hỗ trợ kinh phí mua sắm vật tư, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các đội; tổ chức tập huấn, nâng cao khả năng xử trí tình huống cho từng thành viên. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai tới cộng đồng; tổ chức tập huấn, diễn tập, bổ sung trang thiết bị cho các đội xung kích PCTT - TKCN và người dân để có thể tự bảo vệ và hỗ trợ nhau trong thiên tai, lũ bão.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa:

Quyết liệt xử lý các vi phạm về đê điều

Huyện Hiệp Hòa có tuyến đê cấp 3 dài 39,6 km, chạy qua 11 xã từ Thái Sơn đến Đông Lỗ. Ngoài nhiệm vụ chống lũ, tuyến đê trên địa bàn còn là đường giao thông đi lại của nhân dân nên trước đây, tình trạng xây nhà ở, xây tường, công trình phụ sát mặt đê, cơ đê, chân đê khá phổ biến. Sau khi có Luật Đê điều, các cấp chính quyền tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật này để nhân dân biết, ủng hộ và có ý thức chấp hành, từ đó đã hạn chế được cả về số lượng và quy mô các công trình vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân do thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành Luật kém, cố tình vi phạm, khi vi phạm chính quyền lại không xử lý dứt điểm làm cho tình hình trở nên phức tạp và gia tăng vi phạm.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ.

Năm 2020, toàn huyện xử lý 67 trường hợp vi phạm, trong đó 50 trường hợp xây nhà, công trình, trồng cây xâm lấn hành lang đê còn lại là vi phạm về bến, bãi. Huyện cũng đã khảo sát, xây dựng trụ, biển hạn chế tải trọng trên đê. Từ đầu năm đến nay, huyện phát hiện 21 trường hợp vi phạm và tái phạm (chủ yếu là bến bãi) và dự kiến ngừng cắt điện, cắt dốc lên đê tại các điểm vi phạm này; kiên quyết cưỡng chế vào cuối tháng 7 năm nay.

Để hạn chế vi phạm đê điều, huyện đề nghị tỉnh nghiên cứu, bố trí kinh phí cứng hóa mặt đê xuống cấp đoạn qua xã Hợp Thịnh, Châu Minh; hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các xã ven đê làm đường gom chân đê để phục vụ nhân dân đi lại. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các xã xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về đê điều, bố trí kinh phí lắp dựng các trụ ngăn xe hiện nay đã bị phá hỏng. Thống kê, rà soát các bến bãi trong quy hoạch để hướng dẫn làm thủ tục cấp phép, bảo đảm đúng quy định.

Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh:

Chủ động hiệp đồng, không để bất ngờ trước mọi tình huống

Căn cứ vào mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng như kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, ngay từ đầu năm, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các huyện, TP tổ chức trinh sát địa hình, xác định các khu vực, các tuyến đê, kè, cống, hồ, đập trọng điểm.

Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch hiệp đồng với 12 đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn về công tác này, bảo đảm sát với điều kiện thực tế địa phương.

Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Đại tá Vương Đình Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

Đối với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 (Quân khu 1) - hai đơn vị đảm nhiệm công tác PCTT-TKCN trên các huyện trọng điểm của tỉnh là: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, chúng tôi có bước hiệp đồng cụ thể, cùng các đơn vị đi trinh sát địa hình, xác định, lựa chọn địa điểm tập kết vật tư. Xây dựng từng phương án cụ thể, khi có tình huống xấu xảy ra sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ.

Đặc biệt, năm 2021, trên cơ sở kế hoạch PCTT-TKCN của UBND tỉnh cũng như kế hoạch hiệp đồng của Bộ CHQS tỉnh với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, ngay tháng 6 tới, Bộ CHQS tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Hiệp Hòa diễn tập PCTT-TKCN. Với phương châm gần, gọn địa bàn, cuộc diễn tập sẽ là dịp để các đơn vị, địa phương học hỏi, rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/358283/de-xuat-cac-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-thien-tai.html