Đề xuất các quy định chi tiết hơn trong hoạt động điều tra, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại
Đây là một trong số những nội dung nổi bật tại dự thảo Nghị định mới về các biện pháp phòng vệ thương mại mà Bộ Công Thương đang xây dựng để thay thế cho Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn những thiệt hại của hàng nhập khẩu gây ra đối với hàng hóa sản xuất trong nước đã và đang trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia. Do vậy, các chế định về phòng vệ thương mại đã trở thành nội dung quan trọng trong khuôn khổ pháp luật về thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung, cũng như trong hệ thống pháp luật của từng quốc gia thành viên nói riêng. Trong đó, pháp luật phòng vệ thương mại luôn có vị trí quan trọng và được các nước áp dụng khá phổ biến để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hoặc sự gia tăng quá mức từ hàng hóa nhập khẩu.
Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 đã chấm dứt hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm gồm 03 Pháp lệnh về và 03 Nghị định hướng dẫn thực thi các quy định về phòng vệ thương mại.
Ngày 15/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật QLNT về các biện pháp phòng vệ thương mại. Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là Nghị định chung về các biện pháp phòng vệ thương mại thay vì các quy định riêng rẽ như trước đây tại các Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 8/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam và Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Cùng với Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là căn cứ pháp lý cơ bản cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài.
Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau một thời gian áp dụng, các vấn đề phát sinh trong công tác phòng vệ thương mại đòi hỏi cần phải có những quy định chi tiết, bám sát với thực tiễn hơn nữa và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý xây dựng một Nghị định mới về các biện pháp phòng vệ thương mại thay thế cho Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, dự thảo Nghị định mới có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hơn về quy trình điều tra, áp dụng và rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại với các mốc thời gian cụ thể mà cơ quan điều tra cần tuân thủ để đảm bảo nguyên tắc các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cần được tiến hành một cách minh bạch, công bằng và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các quy trình điều tra bán phá giá, trợ cấp và tự vệ được điều chỉnh một cách thống nhất nhưng vẫn tính đến đặc điểm riêng của mỗi loại hình điều tra. Các quy định này đảm bảo các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và trong một khoảng thời gian hợp lý.
Thứ hai, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hơn về quy trình xử lý, chọn mẫu doanh nghiệp khi tiến hành điều tra bán phá giá, đảm bảo sự phù hợp với cam kết quốc tế và xu hướng chung của điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới. Các quy định cụ thể này cho phép cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra chọn mẫu, giúp tiết kiệm nguồn lực dành cho hoạt động điều tra.
Thứ ba, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hơn về các nội dung trong hoạt động điều tra, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại. Các quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho cơ quan điều tra khi đưa ra các kết luận điều tra, kết luận rà soát.
Thứ tư, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hơn về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các quy định này sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó duy trì được hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ năm, dự thảo Nghị định điều chỉnh một số quy định trong việc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó giúp cho công tác hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài được triển khai một cách hiệu quả hơn nữa.
Sau quá trình khẩn trương xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức liên quan, ngày 15/11/2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới. Hiện tại, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan để rà soát lại lần cuối trước khi lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và ban hành.