Đề xuất các tỉnh chỉ được cho vay lại tỷ lệ 10% vốn ODA

Bộ Tài chính đề xuất quy định tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh được điều chỉnh giảm từ 30% xuống còn 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án sử dụng lượng lớn vốn ODA từ Nhật Bản. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Đáng chú ý tại dự thảo đề xuất sửa quy định về tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 97 thì địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với nội dung này, dự thảo đề xuất sửa đổi: “Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi”.

Như vậy, tỷ lệ cho vay lại được điều chỉnh giảm từ 30% xuống còn 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập chỉ tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên, tỷ lệ vay lại 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư.

Trường hợp đặc biệt khác, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại phù hợp.

Về quy định “Bảo đảm tiền vay”, dự thảo sửa đổi: Trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp.

Trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập thì trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 100% trị giá gốc của khoản vay lại.

Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu quy định.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-cac-tinh-chi-duoc-cho-vay-lai-ty-le-10-von-oda-post85798.html