Đề xuất cách ly toàn bộ công nhân cùng phân xưởng với ca bệnh Covid-19
Lãnh đạo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho rằng công nhân cùng phân xưởng sử dụng chung điều hòa nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, cần coi như trường hợp F1.
Chiều 30/4, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng triệu tập cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Buổi làm việc diễn ra khi tình hình dịch của Hà Nội đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Báo cáo nhanh về 2 trường hợp mắc Covid-19 mới ghi nhận của Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết cả 2 đều là công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long. Một người làm tại Công ty Panasonic Việt Nam, một người tại Công ty Vico.
47 F1 là công nhân trong khu công nghiệp
Cả 2 người đều trú tại huyện Đông Anh và là F1 của bệnh nhân 2911. Số trường hợp tiếp xúc gần (F1) của 2 người đến nay đã xác định được là 50 người. Đáng chú ý, ông Hạnh cho biết số trường hợp F1 là công nhân tại khu công nghiệp lên đến 47 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế TP đề nghị lấy mẫu toàn bộ người dân ở thôn Trung, xã Việt Hùng và giãn các xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại xã Việt Hùng, nơi bệnh nhân 2911 sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, kiến nghị ngành y tế Hà Nội cần coi toàn bộ công nhân làm cùng phân xưởng với bệnh nhân mắc Covid-19 là trường hợp tiếp xúc gần để có biện pháp phù hợp.
Theo bà Hương, các công ty điện tử đều sử dụng điều hòa trung tâm, nghĩa là người trong phân xưởng tiếp xúc chung bầu không khí với người nhiễm nCoV.
Bà đề nghị BQL khu công nghiệp, 2 công ty sớm lập danh sách công nhân làm cùng 2 bệnh nhân để cách ly, truy vết và thông báo ngay các địa phương nếu lao động về quê nghỉ dịp lễ.
Trả lời về việc này, Phó trưởng BQL Khu Công nghiệp và Chế xuất cho biết tại Công ty Panasonic, BQL đã cho dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn Công ty Vico thì có 2 phân xưởng, phân xưởng 1 thì không có F0, F1. Phân xưởng 2 có một F0 và hơn 20 F1 đã được tạm dừng sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch. BQL cũng yêu cầu phun khử khuẩn và xét nghiệm toàn bộ công nhân tại 2 công ty này.
Không để lây chéo trong khu phong tỏa
Đánh giá biện pháp ứng phó, phòng chống dịch của Hà Nội đến nay rất tốt, song, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng mỗi đợt dịch lại có nhiều yếu tố khác hơn, phức tạp hơn.
Trong đó, ông lo ngại nguồn bệnh rất lớn từ các nước Đông Nam Á, tình hình ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia đang rất căng thẳng, chuyên gia quốc tế lo ngại chu kỳ dịch mới sẽ bùng phát ở Đông Nam Á.
Nhìn nhận về tình hình hiện tại của Hà Nội, ông Phu nói “các tỉnh mà có ca bệnh thì Hà Nội có ca bệnh” bởi đặc thù giao lưu quá lớn, luôn có người từ các địa phương về, đặc biệt là dịp nghỉ lễ như 30/4 và 1/5.
Ông kiến nghị TP truy vết sớm các trường hợp F0, F1, F2, khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, càng gọn càng tốt, tránh ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. TP cần xét nghiệm diện rộng, cụ thể là xét nghiệm toàn bộ thôn vừa phát hiện ca bệnh ở Đông Anh và cả người có biểu hiện sốt, ho trên địa bàn.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá tốc độ lây lan của đợt dịch này nhanh và nguy hiểm hơn trước. Ông nhấn mạnh các biện pháp ứng phó chậm thì mức độ khó khăn khi truy vết sẽ tăng nhanh.
Đối với việc cách ly khu vực có ca nhiễm bệnh, ông Dũng yêu cầu phong tỏa quy mô hẹp, nhưng đảm bảo các gia đình trong khu phong tỏa không tiếp xúc qua lại, tránh lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa khiến tình hình thêm phức tạp.
Ông yêu cầu CDC Hà Nội đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, trả kết quả phục vụ công tác khoanh vùng, cách ly kịp thời. Cuối buổi họp, Phó chủ tịch TP bày tỏ chưa hài lòng với CDC Hà Nội khi lãnh đạo đơn vị này dự họp Ban chỉ đạo không đầy đủ.
“Đề nghị Sở Y tế có ý kiến với CDC về việc tham dự các cuộc họp đầy đủ, gần đây hay vắng mặt, gọi điện không được, thấy cuộc gọi nhỡ không gọi lại, nhất là lúc nước sôi lửa bỏng thế này”, ông Chử Xuân Dũng nói.