Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề với thành viên độc lập HĐQT

Chuyên gia đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho thành viên độc lập HĐQT để nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ.

 Chuyên gia đề xuất chuyên nghiệp hóa vai trò thành viên độc lập HĐQT thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề, ban hành bộ tiêu chuẩn đạo đức và xây dựng khung năng lực cụ thể. Ảnh: Pexels.

Chuyên gia đề xuất chuyên nghiệp hóa vai trò thành viên độc lập HĐQT thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề, ban hành bộ tiêu chuẩn đạo đức và xây dựng khung năng lực cụ thể. Ảnh: Pexels.

Ngày 2/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức lễ ra mắt Cẩm nang quản trị công ty 2025, nhằm nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chứng khoán đứng trước kịch bản nâng hạng và đặt ra yêu cầu cao về minh bạch và phát triển bền vững.

Tại sự kiện, ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch Viện Kiểm toán Nội bộ Việt Nam (IIA Việt Nam) - nhận định phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp cận quản trị rủi ro theo hướng cảm tính, thiếu hệ thống và chưa gắn kết với các mục tiêu chiến lược dài hạn. Theo ông, quản trị rủi ro không chỉ dừng lại ở kiểm soát mà còn là định hướng vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân khiến quản trị rủi ro chưa đạt hiệu quả cao là do thiếu khung pháp lý và phương pháp luận phù hợp. Hiện nay, các nguyên tắc như kiểm soát nội bộ hay quản lý tự do chưa được luật hóa, trong khi các bộ khung quốc tế dù có thể tham khảo nhưng vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có Ban Chiến lược hoặc Ban Quản lý Rủi ro độc lập trong Hội đồng quản trị. Chức năng quản lý rủi ro thường được kiêm nhiệm bởi bộ phận kiểm toán, dẫn đến thiếu sự gắn kết với định hướng chiến lược dài hạn.

Để cải thiện tình trạng này, ông Hùng khuyến nghị doanh nghiệp cần áp dụng mô hình “ba tuyến phòng vệ” - một khung tham chiếu đang được sử dụng rộng rãi trong quản trị toàn cầu - nhằm xây dựng hệ thống nhận diện rủi ro bài bản và tăng cường khả năng kiểm soát.

Bàn về vai trò của thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Hoàng Đức Hùng nhấn mạnh rằng yếu tố cốt lõi nằm ở kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và khả năng hành xử độc lập thực chất.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là việc tiếp cận thông tin chưa đầy đủ, trong khi áp lực từ cổ đông lớn hoặc các thành viên khác trong hội đồng vẫn hiện hữu.

Để khắc phục hạn chế này, ông Hùng đề xuất chuyên nghiệp hóa vị trí thành viên độc lập HĐQT thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề, ban hành bộ tiêu chuẩn đạo đức và xây dựng khung năng lực cụ thể. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình.

“Dù là thành viên điều hành hay độc lập, tất cả đều phải chịu trách nhiệm bình đẳng trước cổ đông. Tôi kỳ vọng có những tiền lệ pháp lý để cổ đông, dù chỉ sở hữu 1% cổ phần, có thể khởi kiện nếu phát hiện sai phạm”, ông Hùng nhấn mạnh.

 Các chuyên gia chia sẻ trong phiên thảo luận của lễ ra mắt Cẩm nang quản trị công ty 2025. Ảnh: SSC.

Các chuyên gia chia sẻ trong phiên thảo luận của lễ ra mắt Cẩm nang quản trị công ty 2025. Ảnh: SSC.

Dưới góc nhìn khác, ông Vũ Quang Thịnh - Tổng giám đốc Quỹ Dynam Capital - nhận định tại các nước đang phát triển như Việt Nam, giao dịch giữa các bên liên quan luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu sở hữu còn tập trung.

Ông đưa ra ví dụ về các tập đoàn lớn trong lĩnh vực thiết yếu như cấp nước, nơi mô hình công ty mẹ - công ty con có thể tạo ra xung đột lợi ích nếu thiếu cơ chế giám sát độc lập.

Theo ông Thịnh, để bảo vệ lợi ích của toàn thể cổ đông, HĐQT cần thực sự độc lập, không chỉ đại diện cho nhóm cổ đông lớn. Ông Thịnh cũng đặt câu hỏi về khung pháp lý hiện nay đã đủ mạnh để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ khi xảy ra xung đột lợi ích.

Bên cạnh đó, vai trò của Ban kiểm soát trong doanh nghiệp vẫn còn mờ nhạt, cả về quyền hạn và hành động. Ông Thịnh đề xuất cần quy định rõ hơn quyền phản biện, quyền can thiệp và thiết lập cơ chế hành động cụ thể để Ban kiểm soát thực sự phát huy vai trò giám sát.

“Trong quá trình hoàn thiện thể chế, việc rà soát từng thành viên HĐQT, ai thực sự tạo ra giá trị, ai chỉ mang tính hình thức, là cần thiết để xây dựng cơ cấu quản trị hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững”, ông Thịnh khẳng định.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-cap-chung-chi-hanh-nghe-voi-thanh-vien-doc-lap-hdqt-post1542766.html