Đề xuất cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 1.800 liệt sĩ
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho 1.871 liệt sĩ hy sinh trong các giai đoạn cách mạng trước đây…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đề xuất cấp đổi, cấp lại bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.871 liệt sĩ thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các liệt sĩ thuộc các tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tiền Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, TP. Cần Thơ, TP. Hà Nội, TP. HCM.
Bằng Tổ quốc ghi công là chứng nhận công lao đóng góp của những liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến, được Nhà nước xem xét đủ điều kiện và cấp bằng.
Bằng Tổ quốc ghi công không chỉ là chứng nhận đóng góp của liệt sĩ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến lẫn thời bình, mà còn là giấy chứng nhận căn cứ được hưởng các chế độ cho thân nhân của liệt sĩ.
Căn cứ Điều 24 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp công dân được cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công bao gồm các trường hợp sau: Bằng Tổ quốc ghi công bị mất; Bằng “Tổ quốc ghi công” bị thiếu thông tin do mờ chữ; Bằng “Tổ quốc ghi công” bị hư hại.
Trước đó, theo Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 25/1/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ năm 2023, trong năm qua, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập 1.328 hài cốt liệt sĩ, tiếp nhận 5.055 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Hiện nay, cả nước còn gần 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được và gần 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính.
Năm 2024, với mục tiêu phấn đấu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cơ bản việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ danh sách liệt sĩ; xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với các thông tin hiện có.
Đặc biệt, tập trung chuyển trọng tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vào địa bàn trong nước, nhất là các khu vực, địa bàn còn nhiều thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước phù hợp, giao chỉ tiêu tìm kiếm, quy tập theo hướng tăng chỉ tiêu ở địa bàn trong nước…
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoàn thành trong quý 3 năm 2024.
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công với cách mạng, và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ bảo đảm tích hợp với các cơ sở dữ liệu liên quan…