Đề xuất chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động F1, F2 đang cách ly

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện F1, F2 phải cách ly y tế để phòng dịch có thể được hỗ trợ 80.000 đồng/ngày từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện F1, F2 phải cách ly y tế phòng dịch Covid-19 từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KẾT DƯ TRÊN 80.000 TỶ ĐỒNG

Theo đó, cơ quan này đề xuất chính sách hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện F1, F2 phải cách ly y tế.

Thời gian hưởng là thời gian thực tế người lao động phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Chính sách có thể áp dụng từ ngày 1/6 đến hết năm 2021, trường hợp thời điểm ban hành chính sách sau ngày này vẫn được áp dụng từ ngày 1/6.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân).

Lý giải về việc đề xuất hỗ trợ trích từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện Quỹ này đang chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp với mức chi tăng đột biến trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, quỹ vẫn kết dư trên 80.000 tỷ đồng và đây là nguồn lực quan trọng có thể huy động để đảm bảo kinh phí cho chính sách hỗ trợ người lao động.

Việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo kinh phí cho chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc đóng – hưởng quy định tại Điều 41 Luật Việc làm.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 28/5, có gần 38.000 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện (trong đó có khoảng 26.000 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp); khoảng 120.000 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú (trong đó có khoảng 84.000 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, thì trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp theo phương án có đến 30.000 người mắc, dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu người phải cách ly tập trung, 4,5 triệu người cách ly tại nhà, trong đó sẽ có khoảng 4 triệu người than gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ.

Với con số dự kiến trên thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo được nguồn kinh phí hỗ trợ.

Công nhân Khu công nghiệp Quế Võ (TP. Bắc Ninh) chờ đến lượt tiêm vaccine. Ảnh - Tuấn Dũng. TRÍCH HỖ TRỢ TỪ QUỸ ỐM ĐAU, THAI SẢN, NGUY CƠ MẤT CÂN ĐỐI QUỸ?

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng phải cách ly y tế phục vụ phòng chống dịch.

Mức chi chế độ ốm đau bằng 75% lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội, tức bình quân khoảng 175.000 đồng/người/ngày, trong 28 ngày cách ly.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Nội dung đề xuất trên không thực sự khả thi, không phù hợp với diễn biến nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19”.

Trong khi thời điểm hiện nay đòi hỏi chính sách phải đạt yêu cầu về mở rộng đối tượng được hỗ trợ, điều kiện tiếp cận với chính sách dễ dàng, chi trả hỗ trợ ngay trong thời gian người lao động đang cách ly.

Việc áp dụng thời gian hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ loại trừ những người lao động đã nghỉ hết thời gian tối đa theo quy định, làm giảm phạm vi đối tượng được tiếp cận chính sách.

Về điều kiện áp dụng, cơ quan này cho rằng, đối với địa phương, nếu chính sách chỉ áp dụng khi có số ca dương tính với SARS-CoV-2 từ 0,1% dân số trở lên là khá chặt chẽ, dẫn đến số đối tượng được tiếp cận chính sách rất hẹp. Trong khi ở Bắc Giang được đánh giá là điểm nóng về dịch bệnh nhưng đến thời điểm này vẫn không đủ điều kiện để áp dụng.

Đối với người lao động, điều kiện có đóng bảo hiểm xã hội tại tháng liền kề tháng cách ly y tế đã loại trừ nhiều đối tượng thuộc các đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ ốm đau, thai sản mặc dù còn kết dư nhưng trong những năm gần đây, số chi đã lớn hơn do số chi cho chế độ ốm đau, thai sản được mở rộng. Cụ thể là mở rộng danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, chế độ thai sản đối với lao động nam, chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ.

“Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì nguy cơ mất cân đối quỹ là hiện hữu”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Phúc Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-chi-quy-bao-hiem-that-nghiep-ho-tro-lao-dong-f1-f2-dang-cach-ly.htm