Đề xuất chiến lược phát triển năng lượng tại Việt Nam
Ngày 27-2, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, vừa công bố Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0), đề xuất chiến lược phát triển năng lượng tại Việt Nam, với trọng tâm là năng lượng tái tạo.
Báo cáo bao gồm 6 khuyến nghị chính. Trong đó, đáng lưu ý là đề xuất khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng Sơ đồ Điện VIII (trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng); thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ.
“Chúng ta có thể thấy được những gì mà khối tư nhân có thể thực hiện đối với các dự án năng lượng trong một thời gian ngắn hơn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9-2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2GW năng lượng mặt trời và con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Kể từ khi chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ năng lượng tái tạo, hàng chục dự án đã được đề xuất”, ông John Rockhold, Trưởng Nhóm Công tác Điện và Năng lượng của VBF nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, VBF cũng đề nghị chuẩn hóa Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu cũng như tại các nước ASEAN; công bố lộ trình giá bán lẻ điện đến năm 2025, trong đó phản ánh sự dịch chuyển theo hướng định giá theo thị trường, điều chỉnh số giờ áp giá điện đỉnh và cân nhắc áp dụng biểu giá bán lẻ khác nhau cho các khu vực khác nhau và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng nằm trong số các khuyến nghị nói trên là việc đánh giá nhu cầu cấp thiết về phát triển hệ thống lưới truyền tải và cách thức phát triển hạ tầng lưới điện có chi phí thấp nhất; đánh giá nguyên nhân và giải pháp cho cường độ sử dụng năng lượng rất cao và ngày càng tăng so với các nước láng giềng khu vực có GDP bình quân đầu người tương đương hoặc cao hơn; chuẩn bị chiến dịch tuyên truyền cộng đồng về tránh lãng phí năng lượng ở cấp độ dân cư, văn phòng và nhà máy sản xuất.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-xuat-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-tai-viet-nam-647906.html