Đề xuất chính sách hỗ trợ kinh tế báo chí
Chiều 1/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông về kinh tế báo chí và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí. Các ý kiến đề xuất cần sửa đổi luật báo chí 2016 trong đó liên quan đến kinh tế báo chí.
Cả nước hiện có khoảng 41 ngàn nhân sự làm việc tại 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 72 đài phát thanh, truyền hình, 800 cơ quan báo, tạp chí. Những năm qua, các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Trong bối cảnh chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có. Doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm, 80% quảng cáo trực tuyến đã rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí hiện nay chưa phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, của ngành quảng cáo, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển quảng cáo trên báo chí, hạn chế doanh thu quảng cáo. Nhiều đơn vị sự nghiệp cũng có nhu cầu được cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền để thực hiện hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, do quy định tại Điều 51 Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông không thể xem xét cấp phép.
Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ cần được điều chỉnh cho phù hợp. Tại Việt Nam, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai thu phí, đây chỉ là sự khởi đầu, cần có thêm thời gian để mô hình này trở nên phổ biến hơn. Vì thế, cần sớm có cơ chế, chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công.
Thực hiện : Phan Hằng Sỹ Cường
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-xuat-chinh-sach-ho-tro-kinh-te-bao-chi